|
Nông dân được tư vấn pháp luật ảnh minh họa |
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã triển khai, thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội 9 tháng đầu năm 2015.
Tỉnh hội đã xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội năm 2015 (số 112-KH/HNDT, ngày 19/5/2015). Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nội dung có liên quan đến việc thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị; các văn bản hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; các văn bản về chương trình, kế hoạch...của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong đợt triển khai, thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội 6 tháng đầu năm 2015.
Thực hiện chương trình phối hợp với Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp tỉnh và Công ty phân bón NPK Lâm Thao tổ chức 10 Hội nghị cho nông dân về phương pháp sử dụng phân bón NPK đúng cách, hiệu quả và việc chống hành giả, kém chất lượng về phân bón.
4- Phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội của tỉnh; với Sở Lao động và Thương Binh- xã hội và Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tổ chức giám sát về việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ giảm nghèo tại 2 huyện: Hà Quảng và Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.
Giám sát tại Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã, một số xóm, hộ được hưởng các chính sách về hỗ trợ giảm nghèo. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thực hiện từ năm 2009 đến hết năm 2014, trong đó trọng tâm giám sát là chương trình 30a; chương trình 135; chương trình 67 về hỗ trợ xóa nhà dột nát; các chương trình cho vay vốn lãi suất ưu đãi của nhà nước…
Qua giám sát cho thấy, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và có nhiều chính sách, chương trình để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đầu tư trực tiếp đến hộ gia đình, nhất là các huyện, xã thuộc chương trình 30a; đầu tư cho việc giảm nghèo bền vững cho nhân dân.
Qua 2 đơn vị được giám sát cho thấy các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng tham mưu triển khai cơ bản đúng theo quy định, có Ban chỉ đạo, Ban điều hành của huyện, xã; triển khai, thực hiện có kết quả các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu về giống: cây, con có năng suất, chất lượng phù hợp với địa phương... Từ đó đã góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho nhân dân.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo tại một số huyện được giám sát trong 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy một số tồn tại sau: chất lượng một số đợt con giống, như: Bò, Lợn, Gà còn nhiều con giống chưa đủ trọng lượng cân nặng và tiêu chuẩn khác theo quy định, hoặc quá trình vận chuyển từ nơi xa đến làm cho một số con giống dễ mắc bệnh...có nơi tỷ lệ chết (sau vài ngày, vài tháng đầu) khá cao.
Đối tượng ưu tiên được hưởng chính sách có nơi chưa thực hiện hợp lý từ khâu đăng ký, họp bình xét, do đó có trường hợp một số hộ cận nghèo cùng xóm lại được nhận nuôi trước con vật có giá trị cao như nuôi Bò lai, hộ nghèo thì được nhận sau; hoặc được hưởng những nội dung chính sách ít giá trị hơn (như xã Quý Quân, huyện Hà Quảng); việc phối hợp giữa cấp huyện với cấp cơ sở để đầu tư mua máy móc, công cụ sản xuất phục vụ làm đường giao thông nông thôn, hay sản xuất nông nghiệp...
Vẫn có nơi một số chính sách chưa phù hợp với thực tế của địa phương (như mua máy nghiền đá công suất cao to, nặng thường gây khó khăn trong việc mang vác, vận chuyển từ xóm này sang xóm khác đối với vùng cao, nên ít được sử dụng, như xã Sỹ Hai, huyện Hà Quảng).
Một số ít cán bộ của các tổ chức đoàn thể cơ sở, xóm và nhân dân chưa tích cực tìm hiểu và tham gia tuyên truyền, phổ biến các chính sách về hỗ trợ giảm nghèo cho người dân nông thôn, do đó người dân chưa chủ động trong việc đăng ký và thực hiện tốt các nội dung chính sách hỗ trợ mà mình được thụ hưởng (như xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang).
Những hạn chế này đã được đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh, cùng một số sở, ngành phản ánh lại với chính quyền các cấp (tỉnh, huyện, xã) để rút kinh nghiệm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Đối với Hội Nông dân huyện, thành phố, Hội nông dân cơ sở và huyện, thành đã trực tiếp tham gia vào việc triển khai, thực hiện giám sát các chính sách về phát triển sản xuất, giám sát các chính sách về hỗ trợ giảm nghèo cho nông dân, nông thôn.
Nghiên cứu các văn bản liên quan đến công tác giám sát và phản biện xã hội, bàn bạc và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội của huyện, thành cùng xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội tại địa phương.