|
Ảnh minh họa |
Thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, nhất là giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, chất lượng kém, hàng giả nhái, không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục lưu hành có xu hướng gia tăng đáng báo động. Hậu quả đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng, chất lượng nông phẩm, sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường. Mô hình phối hợp hoạt động các cơ quan, sở, ngành là một cách làm mới nhằm phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể quần chúng, lực lượng xã hội trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, ngay từ đầu năm Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 29 ngày 30/1/2015 về việc thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội năm 2015 để có kế hoạch chỉ đạo đôn đốc Hội Nông dân cấp dưới thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 3 nhà máy và trên 80 hãng sản xuất đang cung ứng thức ăn chăn nuôi công nghiệp với hàng trăm loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi khác nhau, với rất nhiều cơ sở kinh doanh về thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.
Trong năm 2014, đã tổ chức thực hiện 02 đợt giám sát về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Anh Sơn. Cụ thể: Tiến hành giám sát tại Trạm Bảo vệ thực vật huyện, xã Đức Sơn, xã Lĩnh Nam, UBND huyện và một số cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; trên địa bàn huyện Diễn Châu đã tiến hành giám sát tại UBND huyện, Trạm bảo vệ thực vật huyện, xã Diễn Thọ, xã Diễn Mỹ và một số cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Chi cục BVTV tỉnh về tình hình quản lý thuốc BVTV trên địa bàn.
Kết quả giám sát cho thấy công tác quản lý thuốc BVTV đã được quan tâm chỉ đạo, ban hành các văn bản liên quan cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện như: Trong đề án tổ chức sản xuất hàng dịch vụ, từ công tác quản lý sản xuất kinh doanh thuốc; lựa chọn đúng thuốc đối với từng loại sâu bệnh; sử dụng đúng cách, đúng thời điểm, đúng nồng độ. Các ngành chức năng kiểm tra tình hình kinh doanh vật tư phân bón, thuốc BVTV trong từng vụ sản xuất căn cứ theo nhiệm vụ được giao đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tăng cường quản lý thuốc BVTV trên địa bàn.
Về kinh doanh: trên địa bàn nhiều cơ sở kinh doanh có đầy đủ điều kiện , một số cơ sở chưa có chứng chỉ, chứng chỉ quá hạn nhưng vẫn còn tình trạng bán nhỏ lẻ ở chợ, ở hàng tạp hóa, đại lý tổng hợp, nên rất khó quản lý.
Trên cơ sở đó, huyện đã chỉ đạo Trạm bảo vệ thực vật rà soát và đề nghị Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An tổ chức đào tạo, tập huấn lại để cấp chứng chỉ năm 2014
Về sử dụng: Đa số người dân khi sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật chưa tuân thủ đúng nguyên tắc “4 đúng”, nhận thức còn chưa đầy đủ, tùy tiện trong việc sử dụng, cũng như khuyến cáo phòng ngừa dịch bệnh còn hạn chế, nên việc lạm dụng sử dụng thuốc BVTV còn nhiều. Đặc biệt trong quá trình phun, bơm, bà con nông dân còn không dùng khẩu trang và bảo hộ ni lông trên người, liều lượng pha không đúng tỷ lệ, sau khi sử dụng còn vứt bỏ bao thuốc ra đồng làm ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của nhân dân.
Về vận chuyển, bảo quản: Chưa thực hiện đúng quy định pháp luật, vẫn còn hiện tượng gửi xe khách vận chuyển và chưa có kho bảo quản riêng.
Về tiêu hủy bao bì, chai, lọ thuốc BVTV đã sử dụng: Phần lớn các xã chưa tập trung xử lý thu gom rác thải hàng ngày.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, Tỉnh Hội đã tiến hành xếp loại, đánh giá cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại 5 huyện. Đánh giá, xếp loại 3 nhà máy sản xuất, 42 tổng đại lý kho cấp 1, quầy kinh doanh thức ăn chăn nuôi thuộc 6 huyện thị, lấy 56 mẫu để phân tích kiểm tra 80 chỉ tiêu chất cấm trong chăn nuôi. Trong đó có 40 chỉ tiêu là của dự án LIFSAP; kiểm tra nhãn mác, bao bì, khối lượng, hồ sơ công bố chất lượng, công bố hợp quy... lấy 26 mẫu thức ăn công nghiệp phân tích kiểm tra chất lượng.
Công tác giám sát việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An bước đầu đã đi vào nề nếp. Sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương có tác dụng đưa hoạt động giám sát trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần tác động vào nhận thức của hội viên, nông dân, giúp hội viên, nông dân không những sử dụng đúng, hiệu quả các sản phẩm vật tư nông nghiệp mà qua đó có được các thông tin quan trọng để tự bảo vệ được quyền lợi, hợp pháp của mình./.