Long An: Triển khai sâu rộng việc kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo cho nông dân
( KNTC) Trong năm 2015, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp đã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động đồng thời triển khai kiểm tra công tác Hội và các phong trào nông dân hàng quý; việc thực hiện các dự án đầu tư vốn cho nông dân phát triển sản xuất bằng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân; hướng dẫn việc đánh giá chất lượng cơ sở và chi, tổ Hội theo hướng dẫn của BTV Hội Nông dân tỉnh. Cử cán bộ tham gia các Đoàn công tác của UBND tỉnh giải quyết tranh chấp đất đai, tham gia thành viên Ban chỉ đạo và các Đoàn công tác xem xét bồi thường hỗ trợ tái định cư để giải quyết những tranh chấp khiếu nại của nông dân.
Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với UBMTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (gọi tắt là BCĐ CTPH11) xây dựng kế hoạch giám sát của BCĐ11 năm 2015 tổ chức giám ở 4 huyện và Thành phố Tân An; trong đó có 5 đội Quản lý thị trường, 5 trạm bảo vệ thực vật, 10 đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, Chi cục Quản lý thị trường - Sở Công Thương và Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp & NPTNT) và một số hộ sử dụng vật tư nông nghiệp của 4 huyện và thành phố Tân An; tập huấn phương pháp nhận biết phân, thuốc giả và biện pháp bảo vệ quyền lợi người sản xuất nông nghiệp, đấu tranh chống phân, thuốc bảo vệ thực vật giả trên địa bàn tỉnh thông qua 01 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa; 2 tổ kinh tế hợp tác (Cánh đồng lớn xã Hưng Thạnh - huyện Tân Hưng; tổ kinh tế hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao, xã Mỹ Lệ - huyện Cần Đước). Tỉnh Hội còn cử cán bộ tham gia cùng đoàn giám sát sát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lấy 22 mẫu vật tư nông nghiệp ở một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở 2 huyện Bến Lức và Đức Hòa gửi đi kiểm định chất lượng.
Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố đã xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; giám sát việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất ở nông thôn ở một số xã. Tổ chức cho hội viên nông dân tham gia đóng góp dự thảo Bộ luật Hình sự, Dân sự sửa đổi, bổ sung, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp.
Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát Hội các cấp đã kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh những hạn chế, sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện công tác Hội và các phong trào nông dân theo chỉ tiêu thi đua năm 2015. Hội Nông dân các cấp thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động từng bước đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của HV-ND. Từ đó, chất lượng hoạt động của công tác Hội và các phong trào nông dân được nâng lên rõ rệt.
Thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành và UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Hội Nông dân tỉnh (Thường trực Ban Chỉ đạo 26 trước đây) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập BCĐ thực hiện Quyết định 81, điều chỉnh bổ sung quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2016, xây dựng chương trình phối hợp giữa UBND và Hội Nông dân tỉnh trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Long An. Năm 2015, các cấp Hội đã tham gia hòa giải thành 2.154/2.882 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân. Nhận 396 đối tượng vi phạm pháp luật đã cải tạo để cảm hóa giáo dục tại chi, tổ Hội.
Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Tân Trụ thống nhất chọn xã An Nhựt Tân – huyện Tân Trụ là địa bàn hiện nay đang quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, nông dân vẫn còn bức xúc trong việc kê biên, bồi thường bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng mô hình điểm triển khai thực hiện. Hội Nông dân và UBND xã ký kết Quy chế phối hợp thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của UBND và của Hội trong việc thực hiện quy chế phối hợp. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và triển khai việc thực hiện QCDC cho HV-ND ở các chi, tổ Hội trong xã. Qua đó, nâng cao ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật; các mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong nội bộ nông dân được hòa giải ngay tại chi, tổ Hội hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu kiện. Cán bộ, HV-ND đã tích cực đóng góp xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đóng ý kiến xây dựng quy ước, hương ước ở cộng đồng. Góp phần xây dựng ấp văn hóa, khu dân cư tiên tiến, làng xóm hòa thuận, thân thiện.
Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh mang lại kết quả quan trọng; kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh những hạn chế, sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện. Nội dung và phương thức hoạt động của Hội thường xuyên được đổi mới đáp ứng nhu cầu lợi ích thiết thực của HV-ND. Hoạt động của các cấp Hội từng bước đi vào chiều sâu hạn chế được bệnh hành chính hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, hội viên, nông dân, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị - xã hội của địa phương./.
Ngọc Linh