Bắc Giang: Qua một chuyến giám sát vật tư nông nghiệp
15:30 - 09/03/2016
(KNTC)- Thực hiện công tác giám sát, phản biện, năm 2015, Hội ND tỉnh Bắc Giang đã tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón tại 2 huyện: Lục Ngạn, Tân Yên. Qua công tác giám sát, có thể thấy được một số lỗ hổng trong quản lý vật tư, phân bón.
Đại diện các cơ quan cam kết cùng nhau thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện, nhất là trong lĩnh vực giám sát sản xuất, kinh doanh VTNN ảnh: Website Hội ND Bắc Giang


Bắc Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo nhằm thực hiện nội dung giám sát, phản biện . Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch, công văn thông báo nội dung và chương trình giám sát tại UBND 4 xã: Giáp Sơn, Hồng Giang (huyện Lục Ngạn); Tân Trung, Phúc Hòa (huyện Tân yên) và UBND 2 huyện: Lục Ngạn, Tân Yên để tiến hành giám sát trong tháng 20/2015. Đồng thời ban hành Quyết định thành lập 2 Đoàn giám sát do lãnh đạo Hội ND tỉnh làm trưởng đoàn.


 
Ban Chỉ đạo đã xây dựng các văn bản: Phiếu tham vấn, biên bản giám sát; các loại văn bản do các đơn vị liên quan cung cấp. Ban Chỉ đạo cũng tổ chức họp Đoàn giám sát, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, tổ chức thảo luận để thống nhất các nội dung giám sát.


 
Tại thời điểm giám sát, trên địa bàn hai huyện Tân Yên, Lục Ngạn, các đại lý, hộ kinh doanh chủ yếu các mặt hàng phân bón có chất lượng, có thương hiệu trên thị trường. Các mặt hàng này do Công ty Cổ phần vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang cung ứng.


 
UBND 2 huyện Tân Yên, Lục Ngạn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông 2 huyện phối hợp với các công ty sản xuất, kinh doanh phân bón tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ kinh doanh, cách nhận biết phân bón giả, phân bón kém chất lượng cho các hộ kinh doanh và hộ sử dụng.


 
Công tác kiểm tra giám sát được UBND 2 huyện thực hiện, qua kiểm tra, giám sát chưa phát hiện thấy sai phạm trong kinh doanh phân bón phải xử lý; chưa có ý kiến phản ánh của các hộ dân về tình trạng phân bón giả.


 
Tuy nhiên qua kiểm tra, giám sát của Đoàn liên ngành cho thấy, đối với UBND cấp huyện và xã, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về phân bón cho các cơ sở kinh doanh vá các hộ sử dụng phân bón chưa được thường xuyên. Đặc biệt ở cấp cơ sở chưa chú trọng đến việc hướng dẫn các văn bản, các quy định chung về kinh doanh mặt hàng phân bón. Các hộ kinh doanh phân bón chủ yếu do công ty cung ứng phân bón trực tiếp tổ chức tập huấn, hướng dẫn.


 
UBND cấp huyện chưa có văn bản chỉ đạo các ngành, UBND cấp xã trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, kinh doanh và sử dụng phân bón trên địa bàn huyện, do vậy, trách nhiệm của UBND cấp xã chưa rõ, chưa nắm được các văn bản về quản lý, kinh doanh và sử dụng phân bón theo Nghị định 202 NĐ-CP như ở xã Giáp Sơn.


 
Công tác quản lý còn chưa thống nhất như ở huyện Tân Yên số liệu về tổng số cơ sở kinh doanh do xã Tân Trung báo cáo không trùng với huyện. Chưa phân định rõ giữa đại lý của các công ty và cửa hàng bán lẻ, do vậy gây khó khăn cho công tác quản lý.


 
Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên như ở xã Tân Trung, huyện Tân Yên, mỗi năm chỉ kiểm tra 1-2 cuộc. Giữa huyện và xã chưa có sự phối hợp trong công tác kiểm tra. Huyện Lục Ngạn năm 2015 chỉ kiểm tra được 6 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện.


 
Qua khảo sát ngẫu nhiên 12 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn 2 huyện, có 1 hộ không có giấy phép kinh doanh mặt hàng phân bón. Đa số các hộ kinh doanh không có biển hiệu, bảng niêm yết giá bán các mặt hàng phân bón; không có tiêu lệnh phòng cháy; không có phương án bảo vệ môi trường, các loại phân bón để chung với các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật. Các loại phân bón không có kệ, giá để, không có kho chứa riêng. Có cửa hàng bán phân vi sinh không có ngày sản xuất, không có tem, nhãn hiệu… Nhiều hộ kinh doanh không có hợp đồng kinh tế với các công ty, đại lý bán hàng gây khó khăn cho cơ quan chức năng và giải quyết tranh chấp giữa hộ kinh doanh với công ty, đại lý khi xảy ra hàng giả, hàng kém chất lượng.


 
Đối với người dân, qua khảo sát cho thấy, một bộ phận lớn nông dân còn thiếu kiến thức về các loại phân bón. Bà con mua chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, bón phân theo ước lượng, chưa ý thức được quyền lợi của người sử dụng khi mua các loại sản phẩm phân bón. Bà con cũng nêu thắc mắc, nếu phát hiện phân bón giả hoặc kém chất lượng thì phản ảnh cho cấp chính quyền nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 


Qua thực tế cho thấy, các cơ quan chuyên môn hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về hàm lượng, thành phần có trong các loại phân bón nên người kinh doanh và sử dụng phân bón khó nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ngày 13/3/2015, tại Trụ sở Liên cơ quan, Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì tổ chức Hội nghị ký Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh – Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn – Sở Công thương về giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020.
 
Chương trình phối hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; nâng cao năng lực giám sát của cán bộ, các sở, ngành và hội viên, nông dân; phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc…từng bước góp phần vào thực hiện việc quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Chương trình phối hợp là việc cụ thể hóa Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.

 

Linh Thu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp