59/63 tỉnh, thành Hội ký Chương trình phối hợp giám sát sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp
16:16 - 19/09/2016
(KNTC)- Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại 5.056 cơ sở với 130.233 hội viên, nông dân tham dự. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức 380 cuộc giám sát. 
TƯ Hội NDVN cùng Đoàn kiểm tra liên ngành giám sátviệc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp


Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ký Chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương về giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020.
 


TƯ Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện và phổ biến, quán triệt đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt và tổ chức 2 hội nghị tập huấn cho cán bộ chuyên trách của Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đến nay, nội dung cơ bản của Quyết định số 217 của Bộ Chính trị và Chương trình phối hợp giám sát về vật tư nông nghiệp đã được Hội Nông dân các địa phương tuyên truyền, phổ biến đến cơ sở và hội viên, nông dân.


 
Đồng thời Trung ương Hội đã tổ chức 18 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giám sát cho hơn 1.000 cán bộ cơ sở, chi, tổ Hội. Tham mưu giúp Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp ở Trung ương tổ chức 6 đoàn giám sát thí điểm về chấp hành pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố.


 
Tổ chức 01 đoàn giám sát liên ngành về thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường tại tỉnh Quảng Bình đã phát hiện tại huyện Lệ Thủy mới tạm ứng 1 triệu/chủ tàu, phần còn lại (4 triệu huyện chủ trương phân bổ cho chủ tàu 40% và thuyền viên trên tàu 60%). Trong khi đó các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch hỗ trợ 100% cho chủ tàu. Đoàn giám sát đã kiến nghị với địa phương hướng dẫn chi trả cho phù hợp với thực tiễn, đúng quy định.


 
Trung ương Hội phối hợp với Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam bộ tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng phân bón tại 95 công ty sản xuất phân bón. Qua kiểm nghiệm phát hiện 27 công ty sản xuất phân bón hàm lượng không đúng như ghi trên bao bì.


 
Đến nay, 59/63 tỉnh, thành Hội đã ký Chương trình phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương về giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.


 
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại 5.056 cơ sở với 130.233 hội viên, nông dân tham dự. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức 380 cuộc giám sát.


 
Tám tháng đầu năm 2016, Hội Nông dân các địa phương tổ chức 247 lớp tập huấn cho 29.640 cán bộ, hội viên, nông dân ở cơ sở; 312 cuộc tuyên truyền cho 56.160 người; phối hợp tuyên truyền trên các báo, đài, bản tin của Hội 127 tin, bài; thành lập 76 đoàn giám sát liên ngành đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.


 
Tại Kiên Giang: Kiểm tra phát hiện 14/63 mẫu phân bón kém chất lượng; An Giang: 31/39 mẫu phân bón của 09 doanh nghiệp sản xuất phân bón thiếu dấu hợp quy và ghi sai thành phần, quy cách, định lượng ghi trên bao bì; Hậu Giang: 02 cơ sở kinh doanh thuốc thú y quá hạn sử dụng, 02 mẫu thuốc thú y giả, 01 mẫu thuốc thú y kém chất lượng, 04 mẫu thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, 01 cơ sở chưa có chứng chỉ hành nghề; 01 cơ sở không có bảng hiệu, 01 cơ sở giấy phép đăng ký kinh doanh hết hạn.


 
Tại Bắc Giang: kiểm tra, giám sát tại 12 hộ buôn bán phân bón trên địa bàn 02 huyện phát hiện 1 hộ không có giấy phép kinh doanh, 2 sản phẩm phân vi sinh không có tem nhãn nơi sản xuất. Đa số các cửa hàng không có bảng niêm yết giá bán, không có hợp đồng mua bán với công ty, đại lý bán hàng, không có kho chứa riêng, phân bón để chung với thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… và nhiều vụ việc vi phạm trên địa bàn cả nước do nông dân phát hiện, cung cấp thông tin trực tiếp cho lực lượng quản lý thị trường xử lý 878 vụ, phạt vi phạm hành chính là 10,6 tỷ đồng; thu giữ hơn 276 tấn vật tư nông nghiệp các loại, giá trị tang vật tịch thu ước tính gần 39,7 tỷ đồng.


 
Bên cạnh đó, Hội còn thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng lãng phí và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Tổ Tham gia vào các văn bản của các bộ, ngành trung ương. Thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, bức xúc liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hàng giả, hàng kém chất lượng, thông tin thất thiệt, tín dụng đen, nông dân bị thu nhiều khoản sai quy định, bị ăn chặn tiền hỗ trợ của Nhà nước, những vấn đề mất dân chủ, vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở...để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính, đáng của nông dân.


 
Thời gian tới, Hội sẽ tập trung tổ chức cho hội viên, nông dân thực hiện tốt việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218 của Bộ Chính trị; tham gia giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị, giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.


 
Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. 

Ngọc Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp