|
Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tại tỉnh Hòa Bình (ảnh: Báo Công Thương) |
Đến nay, đã có 8/11 huyện, thành phố thực hiện Chương trình phối hợp (Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, thành phố Hòa Bình).
Các cấp Hội tiếp tục tăng cường quán triệt triển khai Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội ND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 và kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp năm 2016.
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cũng chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp; khảo sát, nắm bắt tình hình thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức trên 100 Hội nghị tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón, cách phân biệt phân bón thật, giả, sản phẩm dinh dưỡng, thuốc trừ sâu sinh học… cho trên 7 ngàn hội viên, nông dân.
Hội còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp qua các hội nghị, hội thảo, giao ban, sinh hoạt chi, tổ Hội, qua Thông tin Công tác Hội.
Năm 2016, Hội ND tỉnh đã phát hành 6 số Thông tin công tác Hội với số lượng trên 15.000 cuốn, trong đó có nội dung về giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Năm 2016 thực hiện chương trình phối hợp mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bước đầu đã đạt được kết quả. Đại đa số cán bộ các cấp, các ngành, hội viên nông dân và nhân dân đã nâng cao nhận thức việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Hội ND tỉnh và các đơn vị liên quan đã tích cực chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu thực hiện theo đúng quy định. Các đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng, đồng thời tích cực hướng dẫn sử dụng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo đúng quy trình kỹ thuật.
Qua đó, nhận thức của người sản xuất kinh doanh, người sử dụng và trách nhiệm của các cơ quan quản lý được nâng lên. Tỷ lệ mẫu vật tư nông nghiệp vi phạm chất lượng giảm, các cơ sở đã có ý thức trong việc tổ chức thực hiện khắc phục các sai phạm.
Kết quả, năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp cơ bản đảm bảo quy định, chưa xảy ra vụ việc lớn về sản xuất, kinh doanh vật tư giả, chưa phát hiện phân bón giả, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi.
Ông Nguyễn Hữu Minh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho biết: Để hạn chế phân bón kém chất lượng, các đơn vị trong tỉnh đã ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Phân lân Văn Điển...để cung cấp sản phẩm cho bà con.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế như công tác tuyên truyền nhìn chung chưa sâu rộng; việc biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền, tờ gấp, tờ rơi còn ít.
Việc ký kết chương trình phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện ở cấp huyện, thành phố kết quả chưa cao. Còn 3/11 huyện chưa ký kết Chương trình phối hợp. Ở một số đơn vị, việc thực hiện nội dung phối hợp mới chỉ ở tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, hội viên, chưa tổ chức phối hợp giám sát cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.884 cơ sở sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp và kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Hàng năm, để phục vụ sản xuất, các hộ cần khoảng 180.000 tấn phân bón các loại, trong đó, phân vô cơ chiếm khoảng 85 - 90%. Thức ăn dùng trong chăn nuôi và nuôi thủy sản tiêu thụ trên 300.000 tấn/năm, thuốc BVTV và thuốc thú y ước tiêu thụ trên 10.000 tấn/năm. |
Việc phân biệt phân bón giả, kém chất lượng còn gặp nhiều khó khăn do không thể phân biệt bằng mắt thường; trang thiết bị hỗ trợ nhận biết còn thiếu; kinh phí mua mẫu kiểm tra cao trong khi ngân sách cấp còn hạn chế…
Năm 2017, các đơn vị trong tỉnh tiếp tục các nội dung ký kết, trong đó lựa chọn địa bàn xây dựng và triển khai mô hình điểm về chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; sử dụng vật tư nông nghiệp hiệu quả; tăng cường an toàn thực phẩm gắn bảo vệ môi trường để nhân rộng.