Thái Nguyên: Xây dựng điểm chỉ đạo về công tác giám sát, phản biện ở các cấp Hội
14:50 - 09/05/2017
(KNTC)- Ban Thường vụ Hội ND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 131-KH/HNDT, về việc thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội năm 2017, trong đó có nội dung xây dựng điểm chỉ đạo về công tác giám sát, phản biện ở các cấp Hội.
 
Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương Hội NDVN Lều Vũ Điều làm việc với Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên


Mục đích của kế hoạch là nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên nông dân đối với nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước triển khai trên địa bàn nông thôn; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.


 
Ban Thường vụ yêu cầu các cấp Hội hoạt động giám sát, phản biện xã hội thực hiện theo Hướng dẫn số 637-HD/HNDTW ngày 14/7/2014 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội và Quyết định số 2854-QĐ/TU ngày 30/01/2015 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về việc ban hành Quy định thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để tăng cường sự đồng thuận của xã hội.



 Hoạt động giám sát, phản biện xã hội phải được phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan và được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thường xuyên, kịp thời, công khai, minh bạch, và hiệu quả.


 
Nội dung cụ thể nhằm tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Hội. Áp dụng đồng loạt nhiều biện pháp tuyên truyền: Thông qua Bản tin nông dân và trang Website của tỉnh Hội, tờ rơi, tờ gấp, sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ tiết kiệm vay vốn…



Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội về: Quy trình tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội; kỹ năng hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân tham gia giám sát; thu thập và xử lý thông tin giám sát…



Tổ chức giám sát viện thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, dự án triển khai trên địa bàn nông thôn có nhiều bức xúc, khiếu kiện trong nông dân, thông qua hoạt động giám sát thường xuyên của cán bộ, hội viên, nông dân ở cơ sở và thành lập các đoàn giám sát chuyên đề do Hội Nông dân ở các cấp chủ trì.



Trọng tâm là pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; Chính sách đền bù khi thu hồi đất đai của nông dân;  Chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản; môi trường nông thôn;  Các chính sách của Nhà nước hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và an sinh xã hội;  Các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới.


Giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.


Phản biện xã hội đối với các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của nông dân và của tổ chức Hội trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo; trong các văn bản dự thảo khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hoặc đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.


Xây dựng điểm chỉ đạo về công tác giám sát, phản biện ở các cấp Hội để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Theo đó, Ban Thường vụ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, đơn vị thuộc Hội ND tỉnh và Hội ND các huyện, thị, thành phố.


 
Định kỳ 6 tháng, 01 năm các đơn vị báo cáo kết quả triển khai thực hiện cho Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh.
 

Châu Kỳ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp