|
Hội viên, nông dân tham gia giám sát tại cơ sở (ảnh: Báo Gia Lai) |
Các cấp Hội tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công Thương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho nông dân giai đoạn 2014- 2020.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân kỹ năng, nghiệp vụ giám sát và phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện pháp luật về vật tư nông nghiệp.
Các tỉnh, thành Hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Công Thương xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về vật tư nông nghiệp.
Duy trì đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử của Trung ương Hội, tiếp nhận 23 phản ánh của cán bộ, hội viên, nông dân về việc thực hiện một số chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông dân; việc đền bù đối với các vùng bị thiệt hại do sự cố môi trường Fomosa; công tác tổ chức của Hội Nông dân cấp xã… nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các cấp Hội tập trung phát động và tổ chức cho hội viên nông dân đăng ký thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2017; tích cực vận động, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao; vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tương trợ, giúp đỡ giống, vốn, kỹ thuật, việc làm cho hộ nông dân nghèo để giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân đã phân công những cán bộ, hội viên, nông dân có trách nhiệm, nhiệt tình, có năng lực tham gia giám sát các công trình công cộng, đồng thời huy động toàn thể hội viên, nông dân cùng giám sát, phát hiện kịp thời những sai sót, bất hợp lý, thất thoát phản ánh với Hội, với chính quyền đề nghị chủ dự án, chủ đầu tư khắc phục, sửa chữa kịp thời.
Các cấp Hội tăng cường phối hợp với chính quyền, công an, quân đội tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân dân tham gia bảo đảm an ninh, quốc phòng; ký cam kết tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; động viên con, em lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc; vận động nông dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Xây dựng các tổ tự quản, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải ở thôn, xóm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Trung ương Hội tổ chức nắm tình hình vụ việc giáo dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An khiếu kiện Công ty Formosa liên quan đến việc đòi bồi thường cho ngư dân do sự cố môi trường biển xảy ra năm 2016.
Đồng thời chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cử cán bộ xuống cơ sở nắm tình hình, tìm hiểu nguyện vọng của ngư dân, đồng thời phối hợp với chính quyền và các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động giáo dân không gây mất an ninh chính trị ở địa phương.
Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở gắn với việc thực hiện có hiệu quả Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với Thanh tra, Sở Tư pháp, Tài nguyên môi trường, Thông tin và truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Các cấp Hội đã phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, tranh chấp trong nội bộ nông dân; trực tiếp hoà giải và phối hợp hòa giải ngay tại cơ sở; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân đã hạn chế khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn.
Trung ương Hội đã phối hợp với Hội Nông dân 16 tỉnh, thành chọn điểm xây dựng mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”.
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Hội thường xuyên tổ chức đối thoại với hội viên, nông dân để làm rõ các vấn đề khiếu nại, tố cáo và giải quyết các bức xúc. Các CLB nông dân với pháp luật, CLB trợ giúp pháp lý, mạng lưới cộng tác viên pháp luật ở thôn xóm đã tích cực phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, giúp nông dân giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc tại cơ sở, góp phần giảm tình hình mất an ninh chính trị tại địa phương.