Phú Yên: Giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp
15:31 - 30/04/2018
(KNTC) – Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát và thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Việc cung ứng giống cây trồng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo 


Huyện Phú Hoà có trên 80% dân số sống bằng nghề nông với diện tích gieo trồng hàng năm trên 14.000 ha. Trên địa bàn huyện có mạng lưới cung ứng, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp thông qua: Trại giống 2%; Hợp tác xã 90% và các kênh khác chiếm 8%. Tổng cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp trên địa bàn huyện gồm 15 cơ sở.


Năm 2017, Phòng NN & PTNT huyện thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp.


Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm luôn được Phòng NN & PTNT huyện chú trọng thực hiện. Đến nay trên địa bàn huyện chưa phát hiện vụ việc vi phạm hành chính về sản xuất kinh doanh giống cây trồng.


Trên địa bàn huyện Đông Hòa chưa có cơ sở sản suất kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp, chỉ có một số Hợp tác xã sản xuất lúa giống với quy mô nhỏ phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của địa phương, do đó chưa thực hiện việc đăng ký theo quy định.


Tỷ lệ cung ứng giống cây trồng nông nghiệp chủ yếu thông qua: Trại giống 30%; Hợp tác xã chiếm 20%; đại lý và cơ sở sản xuất kinh doanh chiếm 10% và các kênh khác chiếm 40%.


Thời gian qua, Phòng NN & PTNT huyện Đông Hòa thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, các quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.


Qua đó, nâng cao nhận thức, ý chức chấp hành các quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh về giống cây trồng cho các tổ chức, cá nhân và người dân nói chung.


Là một trong 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, huyện Sông Hinh có mạng lưới cung ứng, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp thông qua 22 cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong đó, có 8 cơ sở sản xuất và kinh doanh, 14 cơ sở kinh doanh.


Nhìn chung, các cơ sở sản xuất giống cây trồng nông nghiệp trên địa bàn đáp ứng đẩy đủ điều kiện về nhà xưởng, nhà kho, máy móc, địa điểm, thiết bị, quy trình công nghệ, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.


Tuy nhiên, việc sản xuất, cung ứng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, theo mùa vụ. Đối với nhóm sử dụng hạt giống như: Lúa, ngô, rau, đậu, đỗ trên địa bàn huyện chưa có cơ sở sản xuất các loại giống này, chủ yếu các hộ kinh doanh mua giống từ các cơ sở sản xuất giống trong nước về cung ứng cho bà con nông dân.


Đối với nhóm cây công nghiệp ngắn ngày như: Mía, sắn do nhu cầu số lượng giống lớn nên bà con chủ yếu mua và nhận giống từ Công ty Mía đường Tuy Hòa và Công ty tinh bột sắn Phú Yên. Ngoài ra, việc cung cấp giống mía chủ yếu do người dân tự nhân giống, chủ động liên hệ với nơi sản xuất ở các tỉnh thành để mua.


Qua công tác thanh tra, kiểm tra, PhòngNN & PTNT huyện Sông Hinh và các ngành chức năng chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào về sản xuất, kinh doanh về giống cây trồng.


Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, Đoàn đã thực hiện giám sát trực tiếp tại Trại cung cấp giống ở xã Hòa An (huyện Phú Hoà) và xã Hòa Đồng (huyện Tây Hoà) và Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên; khảo sát tại một số vườn ươm, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp ở các huyện Tuy An, Đông Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh và thành phố Phú Yên.


Qua giám sát cho thấy hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh đều chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất kinh doanh với cửa hàng trưng bày sản phẩm, gia niêm yết công khai, sản phẩm đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc, hóa đơn hàng hóa rõ ràng thuộc danh mục được phép sản xuất kinh doanh; công tác bảo vệ môi trường trong quản lý, sản xuất kinh doanh được thực hiện nghiêm túc.


Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức hội thảo, tập huấn cho bà con nông dân sử dụng giống cây trồng có hiệu quả và năng suất cao.


Bên cạnh đó, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại 27 mô hình kinh tế hộ nông dân có sử dụng cây giống tại các địa phương gồm mô hình trồng lúa lai của hộ ông Võ Bảo Toàn, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Ngọc Tuấn Anh ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh); mô hình trồng rau của hộ ông Đinh Văn Toàn, Hồ Tuấn Đông ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa); mô hình trồng cây ăn quae của hộ ông Nguyễn Văn Tuấn ở Thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh); mô hình trồng mía của hộ ông Nguyễn Lương Đức, Nguyễn Lương Thoan ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh); mô hình trồng chuối cấy mô của hộ ông Nguyên Đình Văn, Nguyễn Minh Anh ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh).


Qua đó, Đoàn đã ghi nhận một số ý kiến của bà con nông dân trong quá trình sử dụng cây giống tại địa phương. Đa phần bà con nông dân rất phấn khởi trong việc tiếp nhận và sử dụng giống cây trồng nông nghiệp như: Mía, cam, bưởi, mãng cầu cho năng suất cao.


Đối với các mô hình sử dụng giống lúa xác nhận đạt hiệu quả, cho năng xuất cao tại xã Hòa Tân Đông, Hòa Thành (huyện Đông Hòa); xã An Thạch (huyện Tuy An); xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa).


Qua khảo sát thực tế tại các địa phương, nhìn chung các hộ nông dân tích cực tham gia vùng quy hoạch nguồn nguyên liệu, có ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật trong việc sử dụng các nguồn giống cây trồng nhằm đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng.


 

Thanh Lê
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp