Bình Thuận: Thực hiện Chỉ thị 26 gắn với Pháp lệnh dân chủ cơ sở
12:36 - 27/11/2012
Thực hiện CT 26, HND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành CT số 22-CT/UBND, đồng thời có kế hoạch hướng dẫn các cấp Hội thực hiện CT 26 gắn liền Pháp lệnh dân chủ cơ sở, coi đây là một chủ trương lớn, quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, hvnd; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng vi phạm dân chủ và các hiện tượng tiêu cực ở nông thôn.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh ra quyết định thành lập BCĐ thực hiện Chỉ thị 26 và thường xuyên củng cố BCĐ, hiện nay có 09 đồng chí trong đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Chủ tịch HND làm Phó Ban trực, có lãnh đạo: Thanh tra, Tư pháp, Công an, Tài chính, Nội chính, Tài nguyên - Môi trường tham gia làm thành viên và được phân công phụ trách ngành và địa bàn. Xác định trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia thực hiện Chỉ thị 26 gắn với Pháp lệnh dân chủ cơ sở, HND tỉnh đã chỉ đạo 10/10 huyện, thị, thành Hội và 127/127 cơ sở Hội tổ chức triển khai thực hiện.

Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở và Chỉ thị 26, Chỉ thị 22 của UBND tỉnh Bình Thuận, cán bộ, hội viên, nông dân ý thức rõ hơn về quyền làm chủ của mình, việc cụ thể hóa những việc dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát đã tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Qua đó, hội viên, nông dân nâng cao ý thức làm chủ, củng cố niềm tin vào Đảng, chính quyền, có trách nhiệm hơn trong tham gia bàn bạc công việc chung, thể hiện rõ trong góp ý kiến các Dự thảo Luật, các nghị quyết của Đảng, chính quyền, trong quy hoạch đất đai, xây dựng nông thôn mới và lựa chọn đại biểu xứng đáng bầu cử Quốc hội, bầu cử vào HĐND, nông dân đều tham gia bỏ phiếu rất cao; tham gia bầu chức danh trưởng thôn, khu phố, lấy phiếu tín nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND cơ sở. Cử cán bộ tham gia vào BCĐ Quy chế dân chủ ở các cấp, BCĐ thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ; tham gia Ban thanh tra, Ban hòa giải, Tổ hòa giải, thực hiện chức năng đại diện của Hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện QCDC cơ sở. 

Gắn việc phát huy dân chủ và thực hiện QCDC thông qua các phong trào của Hội như phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi, phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh. Từ việc được tham gia ý kiến vào các chủ trương, các chương trình kế hoạch phát triển KTXH ở địa phương, nông dân ngày càng tin tưởng hơn vào Đảng, Nhà nước. Nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, trong 10 năm qua đã có 298.836 lượt hộ vay 2.022,7 tỷ đồng từ nguồn vốn của nhà nước. Quỹ HTND do Hội trực tiếp xây dựng và quản lý được 13,671 tỷ đồng giúp cho 6.811 lượt hộ vay để sản xuất kinh doanh. Cùng với nguồn vốn tự có, nhiều hộ hội viên, nông dân đã đầu tư sản xuất qui mô lớn, nhiều trang trại đã hình thành và phát triển, góp phần giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu; giảm tỷ lệ hộ đói nghèo từ 23,17% năm 2008 xuống còn 9,09% cuối năm 2011.

Thông qua QCDC cơ sở vận động nông dân đóng góp xây dựng, tu sửa kết cấu hạ tầng nông thôn. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy dân chủ ở cơ sở, trong 10 năm qua cán bộ, hội viên, nông dân đã đóng góp tiền, của, công sức xây dựng, tu bổ sửa chữa, củng cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn; nhiều đường thôn xóm được rải sỏi, rải nhựa, bê tông hóa. Nhiều hộ nông dân vì lợi ích chung đã nhường đất, di chuyển hoa màu… để xây dựng các công trình công ích.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp còn tích cực tham gia Tổ hòa giải, giúp Ban hòa giải thực hiện tốt công tác hòa giải ở địa phương nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội. Hàng năm, các cấp Hội trong tỉnh tham gia hòa giải, giải quyết hàng ngàn vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong nông dân, tham gia giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, 16 cơ sở Hội đã xây dựng được “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, nhiều cán bộ Hội là cộng tác viên pháp luật đắc lực ở thôn xóm đã giúp nông dân giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc. Hiện nay toàn tỉnh có 987 tổ hòa giải ở thôn, khu phố với 5.116 thành viên, có 127 hội đồng hòa giải ở xã, phường, thị trấn với 1.248 thành viên, có 86 ban hòa giải với 616 thành viên. Trong 10 năm qua, đã tiến hành hòa giải thành 15.055 vụ/31.139 vụ, trong đó Hội Nông dân trực tiếp hoà giải thành 419/1.759 vụ góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn.

Kết quả trong 10 năm đã tổ chức được 173 lớp cho 9.557 cán bộ được tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, Luật đất đai, Luật khiếu nại cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã, chi hội trưởng, nhóm cộng tác viên, thành viên CLB (trong đó cấp tỉnh 19 lớp/727 người, cấp huyện 154 lớp/ 8.830 người). Qua đó đã giúp các học viên hiểu đầy đủ nội dung pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của nông dân, nhất là công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại của nông dân.

Từ những hoạt động thiết thực đó, các cấp HND tỉnh Bình Thuận đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức làm chủ của hội viên, nông dân; hạn chế khiếu nại tố cáo, ổn định an ninh chính trị trật tự xã hội địa phương. Qua đó, tổ chức Hội ngày càng được củng cố, năng lực cán bộ Hội ngày càng được nâng cao.

Trí Dũng

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp