Bà Rịa - Vũng Tàu với kinh nghiệm tham gia giải quyết KNTC của nông dân
Trong những năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, hoà giải ở cơ sở, tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp pháp lý, tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân đạt được kết quả tích cực, được các cấp, các ngành đánh giá cao.
Hội Nông dân tỉnh lập kế hoạch, xây dựng chương trình liên tịch với các ban, ngành chức năng, ký kết chương trình liên tịch phối hợp thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh. Sở Tư pháp tỉnh trang bị một số văn bản pháp luật cho các câu lạc bộ nông dân, xây dựng đội ngũ cộng tác viên làm công tác hòa giải tại cơ sở; phối hợp trong việc tổ chức các Hội thi cho nông dân tìm hiểu pháp luật về đất đai, môi trường. Hội đã phối hợp với Thanh tra của sở, Chi cục môi trường, phòng môi trường tổ chức các lớp tập huấn về Luật Bảo vệ môi trường tại 07 huyện, thị, thành cho cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức Hội thi Nông dân tìm hiểu Luật Bảo vệ môi trường; thường xuyên phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại của nông dân có liên quan đến đất đai và môi trường. Phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh tham gia đối thoại và giải quyết các khiếu kiện liên quan đến nông dân, tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân, phối hợp trong việc tổ chức các hội thi nông dân tìm hiểu pháp luật.
Trên cơ sở nội dung chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với các sở, ngành liên quan và nhiệm vụ cụ thể của mình, trong 10 năm qua Hội các cấp đã phối hợp với Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh và các ngành chức năng tổ chức 3.177 lớp tập huấn cho 154.232 lượt người; 8.234 buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 431.805 lượt cán bộ, hội viên, nông dân ở địa phương; mở các lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ năng hoà giải ở cơ sở cho cán bộ và cốt cán của Hội.
Để phát huy hơn nữa việc thực hiện chức năng của Hội Nông dân Việt Nam là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân, các cấp Hội đã tham mưu với Đảng, chính quyền trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân đảm bảo đúng pháp luật, đồng thời vận dụng những chính sách hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững trật tự xã hội. Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã chủ động chỉ đạo các cấp Hội cơ sở chú trọng thực hiện tốt công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người.
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tiếp nhận 11.784 đơn thư khiếu kiện, tranh chấp về đất đai…, trong đó Hội đã trực tiếp và phối hợp giải quyết 5.072 đơn. Hội đã phối hợp với UBND và các ngành chức năng giải quyết 12.764 vụ khiếu nại, tố cáo của nông dân. Trong đó có một số vụ khiếu nại đông người điển hình mà Hội đã phối hợp với các ngành chức năng giải quyết và vận động nông dân thực hiện trong thời gian qua như: Vụ khiếu nại của 25 hộ nông dân ở dự án hồ Đá Đen (Châu Đức). Vụ nhân dân xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc tập trung đông người chiếm đất của lâm trường, gây mất trật tự tại địa phương đã diễn ra từ năm 2001, 2002. Vụ việc khiếu nại tại Trung tâm thương mại Bà Rịa về việc bố trí tái định cư khi bị giải tỏa để xây dựng khu Trung tâm thương mại. Vụ khiếu nại của một số hộ dân tại khu tái định cư H20- TX.Bà Rịa. Vụ 17 hộ dân ở khu vực núi Minh Đạm thuộc thị trấn Phước Hải, Đất Đỏ.Vụ giải toả mặt bằng để xây dựng cảng Cái Mép, xây dựng các khu công nghiệp ở Mỹ Xuân ở Tân Thành.Vụ khiếu nại của dân ở khu vực hồ Sông Hoả và vụ khiếu nại của dân ở khu vực Hồ Tràm, xã Phước Thuận, Xuyên Mộc.
Qua giải quyết khiếu nại, Hội Nông dân tỉnh đã có ý kiến tham gia giải quyết hợp lý, hợp tình đối với từng trường hợp cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân, đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở tiến hành vận động hội viên, nông dân chấp hành thực hiện nhằm ổn định trật tự. Từ đó đã tạo lòng tin của nông dân đối với tổ chức Hội, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh trên địa bàn.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
- Để thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị số 26 cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp. Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ gắn kết giữa các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 các cấp.
- Phối hợp cùng chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, trong đó Hội phải làm tốt công tác dân chủ đại diện cho nông dân và thực sự trở thành trung tâm nòng cốt trong việc tham gia xây dựng các chương trình phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
- Thực hiện tốt mối quan hệ giữa các ngành chức năng trong hoạt động tiếp và đối thoại với nông dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Hội Nông dân cần chủ động hơn nữa trong phối hợp với các sở, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nông dân cũng như việc tiến hành hòa giải, giải quyết khiếu nại của nông dân trên địa bàn.
- Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh về các chính sách bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với người dân bị thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, có chính sách hỗ trợ đối với nông dân trong việc học nghề, giải quyết việc làm.
- Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt, thực sự trở thành trung tâm nòng cốt trong công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
- Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lồng ghép các nội dung tuyên truyền để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực.
- Xây dựng câu lạc bộ nông dân với pháp luật hoạt động trên tinh thần tự nguyện tham gia của các thành viên là hội viên, nông dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tích cực đấu tranh bảo vệ pháp luật.
Minh Vân