Bắc Giang với kinh nghiệm tham gia giải quyết KNTC của nông dân
09:16 - 10/10/2012
Những năm qua, quá trình thực hiện CNH, HĐH tại tỉnh Bắc Giang bên cạnh những mặt tích cực, đã làm nảy sinh các vụ khiếu kiện đông người gây phức tạp an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, các cấp HND đã tích cực tham gia giải quyết KNTC, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành PL của hội viên, nông dân.

         Sau khi có Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị cán bộ, hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thành phố triển khai, quán triệt thực hiện Chỉ thị 26. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 26 cấp tỉnh, xây dựng Quy chế phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với UBND tỉnh trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Phối hợp với các ngành: Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên & Môi trường xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai việc thực hiện Chỉ thị số 26 tới 100% cơ sở.

         Tỉnh hội đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trong tỉnh xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm thực hiện Chỉ thị số 26 ở các địa phương. Kết quả: đến nay 10/10 huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện 26 với hơn 100 thành viên, cơ bản các xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã; tổ chức ra mắt và duy trì hoạt động 162 CLB “Nông dân với pháp luật” với gần 6 nghìn thành viên tham gia làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương. Từ năm 2001 đến nay, tổng số đơn, thư KNTC gửi đến các cấp Hội: 8.961 đơn; số đơn, thư thuộc thẩm quyền của Hội được các cấp Hội trực tiếp giải quyết: 6.972 đơn, chuyển các ngành chức năng giải quyết: 1.989 đơn không thuộc thẩm quyền của Hội; tham gia giải quyết 94 vụ KNTC đông người, vượt cấp; phối hợp hoà giải thành công 11.796 vụ việc chủ yếu là tranh chấp đất đai, tranh chấp dân sự… trợ giúp pháp lý 64.059 lượt người. Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền được 6.832 cuộc cho 375.704 lượt người; phát hành 25.204 cuốn sổ tay, bản tin công tác hội; 438.060 tờ rơi pháp luật cho nông dân. Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 38 cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật với 95.988 bài dự thi; 34 cuộc thi sân khấu hoá tìm hiểu pháp luật từ cơ sở đến tỉnh như: Nông dân tìm hiểu kiến thức pháp luật, Nhà nông đua tài thu hút hàng vạn hội viên, nông dân tham gia.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh cử cán bộ tham gia các đoàn công tác liên ngành do Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thành lập để thẩm định, đối thoại với dân, giải quyết những vướng mắc đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật ở các huyện, thành phố. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã thông báo những quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định xử lý tố cáo của UBND các cấp đã có hiệu lực pháp luật đến công dân có đơn và chi Hội Nông dân nơi có người dân đi khiếu kiện để phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện, không tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Qua đó góp phần ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, các cấp HND tỉnh Bắc Giang đã rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất là: tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền với tổ chức Hội Nông dân các cấp trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, thường xuyên trao đổi rút kinh nghiệm nâng cao hiệu quả các lĩnh vực thực hiện.

Phối hợp với cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ; ra mắt và duy trì hoạt động câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, xây dựng mạng lưới cộng tác viên hoà giải tại thôn, ấp, bản, làng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của nông dân, hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp; huy động sức mạnh của hội viên, nông dân cùng tham gia giải quyết; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của Hội gắn với xây dựng gia đình nông dân văn hoá, thôn, ấp, bản, làng văn hoá.

Thứ hai là: Khi tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, các cấp Hội cần chú trọng công tác hoà giải, đặc biệt là hoà giải trước, trong và sau khiếu kiện. Những khiếu kiện được hoà giải tích cực, thành công tại cơ sở sẽ làm giảm khiếu kiện đông người, vượt cấp, không phát sinh thành những vụ việc phức tạp. Tích cực vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức hoà giải linh hoạt như: dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em, thân tộc; qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ Hội; qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể. 

Tiếp tục củng cố tổ hoà giải, tổ tự quản ở thôn, bản, phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về hoà giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ và các thành viên tổ hoà giải.

Thứ ba là: Hàng năm, Hội Nông dân các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí theo tinh thần Thông tư 44/2008/TT-BTC đề nghị UBND cùng cấp hỗ trợ kinh phí để Hội tham gia có hiệu quả công tác giải quyết KNTC của nông dân.

Thứ tư là: Tích cực, chủ động thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện trong quá trình tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC của nông dân để giữ gìn kỷ cương pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nông dân.

Thứ năm là: Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị 26 và Công văn số 1502 của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả.

 

Minh Chi

 

 

 

 

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp