Là một trong những địa phương có nhiều khiếu nại đông người, vượt cấp lên các cơ quan Trung ương, với tính chất gay gắt, phức tạp, kéo dài, trong những năm qua, các cấp HND tỉnh An Giang đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền giáo dục PL, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, góp phần ổn định tình hình.
Trong những năm qua, những khiếu nại, tố cáo của nông dân tại An Giang chủ yếu tập trung vào những nội dung như: Đòi lại đất cũ đã được Nhà nước cấp cho người khác sử dụng trong các giai đoạn điều chỉnh đất đai; Bồi thường do giải tỏa để thực hiện các dự án tại thời điểm chưa có chủ trương bồi thường mà chủ yếu là vận động các hộ dân chấp hành di dời; Yêu cầu được mua nền nhà hỗ trợ tái định cư; Yêu cầu giải quyết đất sản xuất: Vì cho rằng đất bị trưng dụng để xây dựng công trình phúc lợi xã hội, nhưng trước đây chỉ được Nhà nước hỗ trợ, nay các hộ đang cần đất nhưng không có đất sản xuất, cuộc sống trở nên nghèo khó; Cùng với khiếu nại của một số hộ đơn lẻ chủ yếu cũng tập trung vào việc đòi lại đất, tài sản do Nhà nước trưng dụng, tịch thu, cải tạo… vào những năm đầu sau giải phóng miền Nam; lượng đơn khá lớn là tranh chấp đất giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, khiếu nại, tranh chấp đất của tôn giáo, cơ sở thờ tự...
Mặc dù, các cấp chính quyền trong tỉnh với sự hỗ trợ của nhiều đoàn Trung ương đã có nhiều cố gắng, tích cực giải quyết, trong đó có những vụ việc đã được UBND tỉnh xem xét giải quyết có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn không đồng ý, tiếp tục kéo đến các cơ quan Trung ương để khiếu nại; nhiều lúc có hành động quá khích, tụ tập, liên kết nhau thành đoàn đông người trong và ngoài tỉnh, nhằm gây áp lực buộc các cơ quan chức năng phải giải quyết. Đặc biệt cùng lúc xuất hiện việc khiếu nại đòi lại đất của gần 700 hộ dân tộc Khmer tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đối với các hộ trực canh với thái độ rất gay gắt, có lúc các hộ dân này đã tổ chức bao chiếm đất tranh chấp làm cho tình hình thêm phức tạp.
Trước tình hình trên, thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phối hợp với các ngành, các cấp như Sở Tư pháp, Sở Địa chính nay là Sở Tài nguyên &Môi trường, Thanh tra tỉnh, đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị thành phố ký kết Chương trình liên tịch với các ngành trên để tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tham gia hoà giải, tổ chức tiếp công dân, nhận đơn và tham gia giải quyết khiếu nai, tố cáo… đã đạt được kết quả rất đáng phấn khởi, nhất là trong tham gia giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đông người của nông dân.
Sau 10 năm triển khai và thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân An Giang rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất là: Hội Nông dân các cấp cần chủ động tăng cường phối hợp với các ngành trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt chú trọng đến các nội dung pháp luật liên quan đến nông dân, làm cho các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân nhất là nông dân thông suốt và chấp hành nghiêm các chính sách, chủ trương của Đảng và qui định của Nhà nước, nhất là các qui định có liên quan đến nhà - đất và quy hoạch, bồi thường, tái định cư.
Thứ hai là: Đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác hoà giải cơ sở; củng cố chất lượng đội ngũ cán bộ hoà giải viên ở cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau nhằm đảm bảo đoàn kết trong nội bộ nông dân và giảm đầu vào việc khiếu nại, tố cáo tại cơ sở.
Thứ ba là: Tập trung giải quyết nhanh các vụ khiếu nại đông người không để trở thành “điểm nóng”. Nâng cao chất lượng giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo ở các cấp, chú ý về thời hạn, không để đơn tồn đọng kéo dài nhằm làm giảm áp lực khiếu nại trong dân.
Thứ tư là: Phát huy vai trò tổ chức Đảng để phối hợp với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh công tác thực hiện dân chủ cơ sở, tạo mối liên kết, gắn bó và thống nhất trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, bồi thường và tái định cư, sử dụng có hiệu quả sức mạnh tổng hợp giữa tổ chức Hội với các ngành, các cấp trong việc vận động nông dân chấp hành pháp luật. Định kỳ 6 tháng, năm họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan với nhau, rút ra những mặt làm được và chưa làm được trong việc thực hiện Chỉ thị 26, đánh giá đúng nguyên nhân và đề ra giải pháp cho thời gian tới.
Thứ năm là: Thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, công khai dân chủ đúng mức trong quá trình hình thành chính sách bồi thường, giải toả, người xây dựng chính sách bồi thường phải đặt mình vào vị trí người bị giải toả. Giá trị bồi thường thiệt hại về nhà - đất và tài sản hợp pháp, hợp lệ của người bị thiệt hại phải được tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật và phải có tính nhất quán, phải tiên liệu được những phức tạp sẽ phát sinh.
Thứ sáu là: Khu tái định cư đối với từng dự án phải được thực hiện trước khi xây dựng dự án đầu tư và khi thẩm định, phê duyệt ở các cấp có thẩm quyền phải thể hiện rõ nội dụng này. Khu tái định cư cần chú trọng việc mưu sinh của người bị giải toả.
Thứ bảy là: Tổ chức tốt việc dạy nghề, hướng nghiệp một cách cơ bản cho một bộ phận nông dân trong độ tuổi lao động trở thành cư dân đô thị trong quá trình đô thị hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Lãnh đạo huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm cùng Hội Nông dân các cấp tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên thu nhận lao động qua đào tạo nghề vào công trình mới đầu tư. Nghiên cứu thành lập quỹ trợ giúp hướng nghiệp cho người dân trong diện di dời, tái định cư. Quan tâm chú trọng đến việc dạy nghề cho nông dân ở các khu quy hoạch công nghiệp có quy mô lớn .
Thứ tám là: Xác định việc tiếp dân, đối thoại giải quyết khiếu nại là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy đảng, UBND các cấp nhằm ổn định tình hình; thường xuyên rà soát các vụ việc chưa giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa ổn, chưa phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế thì phải được xem lại, nhất là quyết định có hiệu lực pháp luật chưa được thi hành để có biện pháp xử lý dứt điểm.
Thứ chín là: Tham gia có hiệu quả với ngành chức năng xây dựng Kế hoạch chặt chẽ để giải quyết các tranh chấp, khiếu nại của công dân, vận động giữ chân số hộ khiếu nại tại địa phương giải quyết, vận động, giải thích không để tụ tập kéo đi. Chủ động đề xuất, giải quyết sớm các trường hợp thuộc diện chính sách xã hội giúp công dân ổn định cuộc sống.
Khánh Vy