Những kinh nghiệm qua 5 năm triển khai Quyết định 217 tại Thừa Thiên Huế
(KNTC)- Nhìn lại 5 năm thực hiện Quyết định số 217 – QĐ/TW và Quyết định số 218- QĐ/TW của Bộ Chính, kết quả bước đầu tại các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong việc thực hiện Quy chế, Quy định về giám sát, phản biện xã hội và tuyên truyền cho hội viên nông dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai thực hiện đối với các cấp Hội để từng bước mang lại hiệu quả góp phần nâng cao vai trò của tổ chức Hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân.
|
Công tác tuyên truyền về Quyết định 217 và Quyết định 218 được các cấp Hội triển khai tích cực (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên quá trình giám sát, Đoàn giám sát cấp tỉnh đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế về lĩnh vực vật tư nông nghiệp như:
Đối với các Phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế chưa thể hiện rõ nét về chức năng quản lý Nhà nước đối với phân bón, thuốc BVTV; thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, chỉ tập trung làm công tác kỹ thuật, còn việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng chủ yếu do Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện; chưa bố trí cán bộ phụ trách hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với cấp xã về việc thực hiện quản lý đối với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ; chưa chủ động tham mưu UBND cấp huyện thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp của các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trên địa bàn. Việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến phân bón, thuốc BVTV, thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản cho cán bộ, các cơ sở kinh doanh (nhất là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ), các hộ nông dân chưa thực hiện thường xuyên, mới dừng lại ở mức độ giới thiệu văn bản mới trên Website để các đối tượng có liên quan tự tìm kiếm và nghiên cứu.. Quản lý việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV vẫn còn nhiều bất cập; bao gói thuốc BVTV chưa có bãi chứa tập trung; chưa có tổ chức phụ trách thu gom, xử lý nên đến mùa lũ bao gói thuốc BVTV từ các bể chứa (ở những nơi có xây bể) tràn ra, trôi nổi, gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các Hợp tác xã nông nghiệp và thành viên của Hợp tác xã: Vẫn còn một số người nông dân sử dụng thuốc chưa đảm bảo theo yêu cầu, không tuân thủ khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật, HTX như: Trộn nhiều loại thuốc lại với nhau và phun để đỡ tốn công; chưa áp dụng đúng cách khi phun thuốc; một số ít hộ nông dân chưa tuân thủ nghiêm thời gian cách ly thuốc. Khi có sâu bệnh xảy ra, chưa kiểm tra mật độ sâu bệnh thực tế trên đồng ruộng mà phun thuốc theo phong trào (thấy hộ khác phun thì mình đi phun); một số hộ vẫn còn tình trạng lạm dụng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng không đúng liều lượng thuốc (tăng liều lượng), không đúng quy trình hướng dẫn. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sau khi súc bình được đổ ngay tại nguồn nước...Một số nơi ý thức chấp hành của người nông dân về thu gom bao gói thuốc BVTV vào điểm tập trung trên cánh đồng còn thấp; tình trạng bao gói thuốc BVTV còn vứt bừa bãi trên cánh đồng, vùng sản xuất, dưới lòng kênh hói, gây ảnh hưởng lớn đến vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng còn nhiều.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền về Quyết định 217 và Quyết định 218 được các cấp Hội triển khai tích cực đã góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân; đã tổ chức tập huấn về phương pháp giám sát cho đội ngũ cán bộ Hội; Hội cấp trên đã định hướng nội dung giám sát và phản biện xã hội để Hội cơ sở lựa chọn nội dung phù hợp với tình hình của địa phương; các hoạt động giám sát, phản biện, góp ý của Hội Nông dân các cấp đã được thực hiện nghiêm túc. Công tác phối hợp với các ban ngành, Ủy ban mặt trận Tổ quốc để triển khai hoạt động giám sát chặt chẽ. Sự quan tâm của chính quyền trong cấp kunh phí để triển khai hoạt động giám sát và phản biện xã hội.... Việc thực hiện phản biện xã hội và tham gia ý kiến góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh được cán bộ, hội viên nông dân thực hiện với ý thức trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, việc theo dõi để khắc phục những hạn chế, tồn tại sau giám sát của các đơn vị vẫn là khâu yếu của các cấp Hội; trình độ, kỹ năng giám sát của đội ngũ cán bộ Hội chưa đồng đều; một số cấp Hội nhất là cơ sở Hội còn lúng túng trong xác định nội dung giám sát.
Từ đánh giá những ưu điểm, và tôn tại hạn chế, Hội Nông dân tỉnh đã rút ra các bài học kinh nghiệm.
Bám sát Quyết định 217, 218 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện các Quy chế, Quy định để chủ động tham mưu nội dung giám sát với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để tổng hợp trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt nội dung giám sát.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định 217, 218 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện các Quy chế, Quy định đến cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh để góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên nông dân việc thực hiện Quy chế, Quy định về giám sát, phản biện xã hội và tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tuyên truyền, vận động người nông dân tự giám sát với nhau đối với những hộ nông dân trồng trọt, chăn nuôi; phát hiện và chủ động tố giác những đơn vị kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; đồng thời, vận động hội viên nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất đúng quy trình, đảm bảo thời gian cách ly; không sử dụng kháng chất, chất tăng trọng trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. /.