Vĩnh Long: Bài học kinh nghiệm qua 5 năm triển khai quyết định 217 của Bộ chính trị
Thời gian qua, việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh chỉ đạo và tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng trong hệ thống Hội và hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đã tạo được sự đồng thuận cao. Qua 5 năm triển khai tỉnh Hội đã rút ra 1 số bài học kinh nghiệm
Công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Hội Nông dân các cấp phải có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, của các đoàn thể chính trị - xã hội và sự nhiệt tình của cán bộ Hội; Phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong việc xác định nội dung giám sát, phản biện của Hội kịp thời báo cáo, xin ý kiến thống nhất của cấp ủy cùng cấp. Thường xuyên trao đổi, thống nhất với Ban Thường trực MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, thanh tra của các ngành chuyên môn các cấp để lựa chọn nội dung giám sát, tránh trùng lắp, chồng chéo trong quá trình giám sát và phản biện xã hội. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các cấp Hội cần phải được tiến hành chặt chẽ, đúng hướng dẫn, đúng quy định của Trung ương Hội. Đồng thời có cách làm, phương thức tiến hành linh hoạt, phù hợp với điều kiện về nhân lực, kinh phí, đặc điểm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương.
Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện của các cấp Hội phải khách quan, trung thực, đầy đủ nhưng có sự chắt lọc kỹ càng, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả, tính khả thi. Đồng thời các cấp Hội phải theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị sau giám sát, phản biện và góp ý.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các ngành chuyên môn nhằm mở rộng, đa dạng và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện; phân công trách nhiệm cụ thể cán bộ phụ trách để công tác giám sát, phản biện xã hội đi vào chiều sâu.
Quan tâm xây dựng, tổng kết thực tiễn và kịp thời nhân rộng các mô hình tổ chức giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các cấp Hội đạt được kết quả tốt, tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị bằng mọi hình thức, tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương, đơn vị; đồng thời, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng trong việc đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội các cấp.
Trên cơ sở chỉ đạo của Hội Nông dân cấp trên và Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp, các cấp Hội xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp, sát với tình hình thực tiễn của địa phương và chức năng, nhiệm vụ của Hội. Chú trọng theo dõi, giám sát các cơ quan, đơn vị thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát và phản biện xã hội để kiến nghị, đề xuất được hiện thực hóa và có hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các Hội Nông dân - Mặt trận Tổ quốc – Nông nghiệp & PTNT – Công thương làm tốt công tác giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho hội viên, nông dân. Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ban, ngành tiếp tục phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để các cấp Hội thực hiện tốt Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI). Hàng năm tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ các cấp Hội phụ trách Quyết định 217, 218-QĐ/TW có đủ khả năng thực hiện công tác phản biện xã hội đạt hiệu quả.