Năm 2018 các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động lựa chọn nội dung phù hợp với thực tế tại địa phương; lựa chọn phản biện xã hội các dự án, chính sách, kế hoạch, quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà đa số nhân dân quan tâm để xin ý kiến cấp ủy và xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của cấp mình.
Cùng với việc triển khai kế hoạch, thông qua Hội nghị, các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức quán triệt việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 150 đồng chí UV BCH, Chủ tịch, phó Chủ tịch HND các huyện, thị xã, thành phố; cán bộ hội tại cơ quan Thường trực HND tỉnh; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội ND các xã, phường, thị trấn. Theo đó, các cấp hội đã quán triệt đến 100% UV BCH và cán bộ Hội các cấp.
Năm 2018, Hội ND tỉnh được Tỉnh ủy thống nhất phê duyệt nội dung phản biện xã hội tại Thông báo số 456-TB/TU ngày 14/4/2017 với nội dung: Phản biện đối với “Chủ trương, chính sách về phát triển cây chanh dây trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực trong công tác phản biện xã hội, tham gia nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với các dự thảo về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổ chức lấy ý kiến của cán bộ hội, hội viên nông dân tham gia các dự thảo luật của Quốc hội, Nghị quyết của đảng các cấp; nghị quyết hội đồng nhân dân cùng cấp và các dự thảo quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của ủy ban nhân dân cùng cấp khi được yêu cầu.
Sáu tháng đầu năm 2018, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tham gia được 150 cuộc tiếp xúc giữa đại biểu hội đồng nhân dân các cấp với trên 15.000 lượt cử tri tham dự, 412 lượt ý kiến tham gia đóng góp về các vấn đề trên các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nội dung, quy trình và quyền, trách nhiệm phản biện xã hội được thực hiện đảm bảo theo quy định.
Hội Nông dân các cấp xây dựng nội dung cụ thể tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhất là tham gia góp ý vào những dự thảo nghị quyết quan trọng của cấp ủy; nắm tình hình, tư tưởng, tâm trạng của hội viên nông dân, đề xuất biện pháp sát thực để giải quyết những vấn đề nóng, bức xúc trong nhân dân. Giám sát cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tổng hợp kịp thời ý kiến hội viên nông dân tại các buổi tiếp xúc cử tri, sinh hoạt chi tổ hội, để nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính quyền của Hội Nông dân tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đối thoại với hội viên nông dân về các vấn đề mà hội viên nông dân quan tâm. Điển hình như: Huyện Đức cơ tham gia cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân tại 02 xã IaDin và Ia Nan, có 80 người với 25 ý kiến đề xuất kiến nghị các vấn đề liên quan đến đất đai, chính sách cho nông dân; huyện Đăk Đoa phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tổ chức đối thoại nhằm tháo gỡ những vướn mắc trong quá trình cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ và chương trình cho vay tái canh cây cà phê có 150 hội viên nông dân với 20 ý kiến tham gia; huyện Chư Pưh phối hợp với Phòng tư pháp, Thanh tra... tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân về giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể liên quan, công tác giám sát và phản biện xã hội được triển khai thực hiện trong hệ thống Hội từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Qua đó đã phát huy dân chủ, quyền và trách nhiệm của tổ chức Hội và hội viên nông dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. /.