Những năm qua, các cấp Hội trong cả nước đã không ngừng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân thông qua việc thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, thành lập các CLB Nông dân với pháp luật, các tủ sách pháp luật…
Thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội ND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức trên 200 buổi tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, hội viên nông dân của 84 cơ sở Hội trong tỉnh về một số nội dung: Luật Khiếu nại - tố cáo, Luật Hôn nhân - gia đình, Luật Đất đai, chính sách liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng…
Hội đã xây dựng được 21 CLB nông dân với pháp luật với hơn 1.000 thành viên, đây là những hoà giải viên, nòng cốt trong công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần, là nơi nông dân tìm hiểu về chính sách pháp luật, trao đổi tháo gỡ vướng mắc về pháp luật và tư vấn pháp luật cho hội viên nông dân. Các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền tiếp nhận đơn thư khiếu nại của nông dân, chủ động sâu sát địa bàn thôn, xóm, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư của nông dân, giải thích hướng dẫn và giải quyết kịp thời...
Chỉ tính riêng năm 2013 và những tháng đầu năm nay các cấp Hội đã tiếp nhận hàng trăm đơn của hội viên khiếu nại về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng và một số mâu thuẫn khác; các cấp Hội đã chuyển cho cơ quan chức năng theo thẩm quyền giải quyết và phối hợp tổ chức hoà giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong hội viên, nông dân với nông dân và giữa nông dân với tổ chức cá nhân khác, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân, được các cấp uỷ, chính quyền đánh giá cao.
Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương nhất là những nơi có thể xảy ra điểm nóng về khiếu nại, tố cáo của nông dân. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng nắm chắc tình hình để xây dựng mô hình xã điểm về Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Nội dung mô hình điểm tập trung 03 vấn đề chính là: tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường công tác hòa giải cơ sở và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Từ 2004 đến nay Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp xây dựng được 10 mô hình xã điểm. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn thành lập 24 CLB NDVPL do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Chủ nhiệm CLB với trên 700 hội viên và cộng tác viên tham gia sinh hoạt.
Điểm nổi bật của các Câu lạc bộ là đều có ban hành Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân xã và Hội Nông dân xã về việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Qua sinh hoạt, CLB đã vận động các thành viên chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tham gia các chương trình phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Được Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh chọn xây dựng điểm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” từ năm 2007, đến nay, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah, Gia Lai) luôn phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như tham gia giải quyết các vụ khiếu nại, tranh chấp… góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Câu lạc bộ gồm có 50 thành viên, đều là những người có uy tín ở các chi hội nông dân và trưởng một số ban, ngành, đoàn thể của xã…Ngoài ra, ở mỗi chi hội đều có từ 2 đến 3 cộng tác viên là những hội viên nòng cốt dưới cơ sở. Câu lạc bộ thường xuyên duy trì sinh hoạt theo quý và nội dung tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương có liên quan trực tiếp đến nông thôn và nông dân.
Qua các buổi sinh họat, câu lạc bộ đã trang bị cho hội viên một số kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giao thông đường bộ, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Dân số,… giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Thanh Tú