Nhơn Hưng là một xã nằm ở trung tâm huyện An Nhơn (Bình Định), có 6 thôn, phần lớn là người kinh, sống chủ yếu về nông nghiệp, hơn 70% là nông dân. Các công trình điện, đường, trường, trạm được nâng cấp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định, phát triển.
Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân xã Nhơn Hưng được chọn xây dựng mô hình điểm, Hội Nông dân xã tham mưu với Đảng uỷ, UBND thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 gồm 7 đồng chí do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã làm phó ban trực. UBND xã đã tổ chức Hội nghị quân-dân-chính xã để quán triệt tinh thần nội dung Chỉ thị và giao trách nhiệm Ban Chỉ đạo chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Ban Chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, các ngành chức năng của xã như Thanh tra, Tư pháp và Địa chính đều xây dựng chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị 26 với Hội Nông dân xã.
Ban Chỉ đạo 26 của xã đã tiến hành khảo sát tình hình nhận thức chính sách pháp luật và những vướng mắc, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân ở từng thôn bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp 150 cán bộ, hội viên nông dân; sau đó tổng hợp, phân loại từng đối tượng về mức độ nhận thức chính sách pháp luật và những vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, sát hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Qua khảo sát nhận thức chính sách pháp luật và những vướng mắc của nông dân, Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 đã tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 50 đại biểu là cán bộ chi, tổ hội và tập huấn nghiệp vụ công tác hoà giải, công tác tiếp dân, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các thành viên Hội đồng hoà giải của xã, Ban hoà giải thôn và Câu lạc bộ pháp luật. Sau tập huấn, từng thành viên đã nâng cao nhận thức về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công, tạo chuyển biến thực sự trong công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.
Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 của xã đã tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật cho trên 1.700 hội viên nông dân thuộc 6 thôn trong xã, mỗi thôn từ 2- 3 đêm. Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật bao gồm: chính sách về đất đai, nội dung cơ bản của Luật Dân sự, Hình sự, Hôn nhân- gia đình và khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã cấp cho xã 300 cuốn sổ tay pháp luật để làm tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 26/TTg.
Ban chỉ đạo đã phân công đội ngũ báo cáo viên phối hợp với Hội Nông dân huyện trực tiếp phổ biến kiến thức pháp luật cho hội viên nông dân đến từng thôn, tổ chức trang trí tại điểm học tập gồm băng rôn, khẩu hiệu, phông màn, ảnh Bác… tạo sự tập trung, chú ý để nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về kiến thức pháp luật.
UBND xã cũng đã tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật với sự tham gia của 6 thôn; nội dung và hình thức hội thi rất sinh động, phong phú, thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân ở địa phương.
Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 của xã đã thành lập 6 nhóm nòng cốt gồm 22 thành viên là cán bộ, hội viên tiêu biểu, có uy tín và am hiểu về kiến thức pháp luật để làm nòng cốt trong công tác vận động, hoà giải những mâu thuẫn nhỏ ở cơ sở. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng đã tiến hành củng cố Ban Chấp hành chi tổ gồm 6 đồng chí, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả công tác.
UBND xã đã quyết định thành lập CLB nông dân với pháp luật của xã gồm 32 thành viên, do đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã làm chủ nhiệm, đồng chí cán bộ Thanh tra- tư pháp của xã làm phó chủ nhiệm. Sau khi có quyết định thành lập, Ban Chủ nhiệm đã tiến hành xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của CLB, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Theo sự phân công, CLB được hình thành 6 tổ, chịu trách nhiệm phụ trách 6 thôn trong xã, do đồng chí chi hội trưởng nông dân làm tổ trưởng. CLB đã tiến hành tổ chức sinh hoạt với nội dung như: phản ảnh tình hình hoạt động của các nhóm nòng cốt ở cơ sở, nghe những thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật mới ban hành, và trao đổi những kinh nghiệm trong công tác hoà giải.
UBND xã đã quan tâm hỗ trợ cho CLB 1 tủ sách và Hội Nông dân tỉnh đã trang bị cho CLB trên 30 đầu sách pháp luật các loại. Từng thành viên CLB đều tranh thủ nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ nhận thức về kiến thức pháp luật nhằm vận dụng trong quá trình thực hiện Chỉ thị 26. Hoạt động của CLB đã góp phần đáng kể trong công tác tư vấn pháp luật cho hội viên nông dân và công tác hoà giải ở cơ sở.
Bên cạnh việc thành lập CLB pháp luật của xã, UBND xã cũng đã quyết định củng cố kiện toàn Ban hoà giải các thôn, số lượng mỗi Ban hoà giải từ 9- 11 thành viên, do đồng chí Trưởng thôn làm Trưởng ban, đồng chí chi hội trưởng nông dân làm phó ban trực, đồng thời từng thôn cũng đã tiến hành củng cố các tổ hoà giải xóm gồm những thành viên có uy tín và am hiểu về kiến thức pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong công tác tư vấn pháp luật và công tác hoà giải ở cơ sở.
Từ khi triển khai thực hiện mô hình điểm, những tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nông dân phát sinh đã được Ban hoà giải thôn đã tổ chức hoà giải thành ngay tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, hạn chế đơn thư phát sinh và khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 của xã đã mở lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt của Hội Nông dân xã, các chi, tổ Hội và các Ban hoà giải thôn, xóm do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành Thanh tra, Địa chính và Tư pháp của tỉnh tổ chức truyền đạt, số lượng: 60 thành viên. Nội dung truyền đạt bao gồm Luật Hình sự, Dân sự, Hôn nhân- gia đình, chính sách về đất đai. Đài truyền thanh xã cũng tuyên truyền nội dung pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh về những nội dung hỏi- đáp trong sổ tay phổ biến pháp luật cho hội viên nông dân trong xã lắng nghe, tiếp thu và nâng cao hiểu biết về pháp luật. Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã góp phần tạo sự chuyển biến mới về nhận thức pháp luật trong cán bộ hội viên và nông dân, từ đó tạo ra ý thức tự giác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội, xây dựng được ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tại các buổi tiếp dân để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân, UBND xã đều mời đại diện Hội Nông dân xã tham gia cùng các ngành chức năng của xã điều tra, nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết những vụ việc khiếu nại của nông dân, nhất là những vụ việc khiếu kiện phức tạp kéo dài, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân. Những vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật thì Hội Nông dân xã giải thích, vận động và thuyết phục hội viên nông dân thi hành.
Qua một năm xây dựng mô hình điểm triển khai thực hiện Chỉ thị 26, được sự quan tâm chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh, huyện và sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, UBND xã, Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thực 26 xã đã bám sát nội dung, chương trình, kế hoạch đề ra, triển khai thực hiện đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sự phối hợp trách nhiệm giữa Hội Nông dân xã với các ngành chức năng được tăng cường, kịp thời giải quyết dứt điểm những khiếu nại bức xúc của nông dân, việc giải quyết khiếu nại đảm bảo đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nông dân, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và đoàn thể với nông dân, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó trong nội bộ nông dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Quang Huy