HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
*
Số 51 -BC/HNDTW
|
Hà Nội, ngày 2 tháng 7 năm 2012
|
BÁO CÁO
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết
khiếu nại, tố cáo của nông dân (2001 - 2011)
Trước những diễn biến hết sức phức tạp về khiếu nại, tố cáo của nông dân, ngày 09/10/2001 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg (Chỉ thị 26) về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân (UBND) các cấp, các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên & Môi trường tích cực triển khai tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở nông thôn, hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp, đồng thời thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn và sự ổn định, phát triển chung của đất nước.
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
CHỈ THỊ 26/2001/CT-TTg CỦA THỦ TƯỚNG CHINH PHỦ
I. TÌNH HÌNH KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NÔNG DÂN
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, những năm qua nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn có chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đã nảy sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết. Trong đó tình hình khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người, vượt cấp, mà số đông là nông dân đã trở thành vấn đề bức xúc, có nơi, có lúc trở thành những điểm nóng, phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn nông thôn. Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo (chiếm trên 70%) liên quan đến đất đai về thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng... Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do một số quy định của pháp luật điều chỉnh vẫn còn những điểm bất cập, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong một số trường hợp chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn nhiều yếu kém, nhất là công tác quản lý đất đai. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định pháp luật.
II. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THAM GIA THỰC HIỆN CHỈ THỊ 26
1. Ở Trung ương
Sau khi có Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội nghị giữa lãnh đạo Hội Nông dân, Thanh tra Chính phủ với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Dân vận, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để quán triệt và thảo luận thống nhất triển khai thực hiện Chỉ thị 26.
Trung ương Hội đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện các nội dung của Chỉ thị với Bộ Tư pháp (số 02/2002/CTPH - TP- HND), Tổng cục Địa chính (số 22/CTPH/HND/TCĐC ngày 4/3/2002 - nay là Bộ Tài nguyên & Môi trường) Thanh tra Chính phủ (số 344/TTNN-HND ngày 9/4/2002) và Nghị quyết liên tịch số 02/2005/NQLT- HND- BTNMT ngày 13/5/2005 về việc phối hợp bảo vệ môi trường và quản lý sử dụng đất đai, Phối hợp với Trung ương MTTQVN, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ triển khai Nghị quyết liên tịch số 813/2008/NQLT- TTCP-BTTUBTƯMTTQVN-TƯHND ngày 13/5/2008 về Ban hµnh Quy chÕ phèi hîp gi÷a Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Héi N«ng d©n cïng cÊp trong tuyên truyền, phæ biÕn ph¸p luËt vÒ khiÕu n¹i, tè c¸o. Trên cơ sở các chương trình phối hợp ở Trung ương, các Bộ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo ngành dọc ở địa phương ký kết và triển khai thực hiện chương trình phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp.
Mở Hội nghị liên ngành quán triệt và triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo Hội Nông dân, Chánh Thanh tra tỉnh và Giám đốc Sở Địa chính các tỉnh, thành phố tại 2 khu vực miền Bắc và miền Nam.
Ngày 23 tháng 5 năm 2008, Trung ương Hội đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 26. Qua đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị trong toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 1502/TTg-V.II ngày 15/10/2007 về việc tăng cường phối hợp với Hội Nông dân các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo khẳng định sự cần thiết tiếp tục thực hiện những nội dung của Chỉ thị 26/CT-TTg, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp chính quyền, các bộ, ngành tăng cường hơn nữa việc phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp để giải quyết và giảm thiểu khiếu nại, tố cáo.
Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn các địa phương cấp kinh phí cho Hội Nông dân, tạo điều kiện vật chất để Hội thực hiện có kết quả Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ ngay từ những năm đầu ban hành Chỉ thị, đến ngày 30 tháng 5 năm 2008, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 44/2008/TT- BTC về việc “Hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo thực hiện Chỉ thị 26 ngày 9/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”.
Trung ương Hội đã thành lập Ban Chỉ đạo và hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 26, lấy Ban Kiểm tra Trung ương Hội là cơ quan tham mưu, đầu mối để hướng dẫn Hội Nông dân các cấp tổ chức triển khai đến tận cơ sở. Ngày 9/11/2007 Ban Chỉ đạo đã tham mưu cho Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành Hướng dẫn số 965/HD-HND hướng dẫn các cấp Hội triển khai tham gia thực hiện công văn số 1502/TTg-V.II của Thủ tướng Chính phủ. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 26 với thực hiện Chỉ thị số 32 - CT/TƯ ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007; Quyết định 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010; Quyết định 37/2008/QĐ - TTg ngày 12/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; Quyết định số 554/QĐ - TTg ngày 04/05/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012”.
2. Ở địa phương
Căn cứ vào sự chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành và Hội Nông dân các địa phương đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay từ năm 2002 đã có 20 UBND tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 và chỉ đạo UBND các cấp thành lập Ban Chỉ đạo cấp mình; 32 UBND tỉnh, thành phố ra văn bản chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành chức năng phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp thực hiện các nội dung của Chỉ thị. Gần 40 tỉnh, thành Hội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 và 64 tỉnh, thành Hội ký kết chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên & Môi trường và Thanh tra tỉnh, hàng năm xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện. Đồng thời Hội Nông dân đã tham mưu giúp UBND các tỉnh, thành phố sơ kết đánh giá kết quả, phát huy những mặt tốt, kịp thời uốn nắn những thiếu sót để đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 26. Có nơi, UBND tỉnh chỉ đạo sơ kết từ cơ sở, hoặc chỉ đạo sơ kết định kỳ 2 năm một lần như: Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Thuận, Bình Định…
III- KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nông dân
1.1 Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức về chính sách, pháp luật của nông dân ngày một tăng, khắc phục sự hạn chế về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luât của một bộ phận nông dân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo sai, vượt cấp, thậm chí ngộ nhận và dễ bị lợi dụng, kích động dẫn đến khiếu kiện phức tạp. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên & Môi trường… công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đã có nhiều chuyển biến và đạt kết quả tích cực.
Các cấp Hội đã áp dụng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân như qua các cuộc hội nghị, tập huấn, hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề, qua sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật”, phát hành tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh địa phương, qua công tác hoà giải, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, bản tin công tác Hội… Nội dung tuyên truyền, phổ biến thường tập trung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến nội dung khiếu kiện và pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Các quy định pháp luật dùng trong tuyên truyền được biên soạn dưới dạng hỏi - đáp, tình huống, nhiều nơi biên dịch ra tiếng dân tộc, qua đó đã giúp cán bộ, hội viên, nông dân dễ đọc, dễ hiểu và dễ vận dụng.
Trung ương Hội Nông dân phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài nguyên & Môi trường biên soạn 100.000 cuốn “Sổ tay phổ biến pháp luật cho nông dân” phát hành đến cơ sở. Phối hợp với Hội Nông dân, các Sở Tư pháp, các ngành Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra các tỉnh, thành phố tổ chức được 98 lớp tập huấn nghiệp vụ thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg cho hơn 9.000 cán bộ Hội cơ sở, thành viên các tổ hoà giải và Cộng tác viên CLB “Nông dân với pháp luật” của các cơ sở Hội... giúp cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao hiểu biết về chính sách pháp luật và nghiệp vụ để tham gia thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị 26.
Việc phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá được tổ chức rộng khắp ở các cấp Hội với nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với bản sắc văn hoá của từng địa phương được hội viên, nông dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Có những cuộc thi tại xã được truyền thanh trực tiếp đến các thôn, xóm để đông đảo người dân theo dõi (xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), có cuộc thi thu hút được hàng ngàn người tham gia (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang). Nội dung các cuộc thi phần lớn do hội viên, nông dân tự biên, tự diễn trên cơ sở tình hình thi hành pháp luật tại địa phương được biên soạn thành các tình huống sân khấu, vừa tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả vừa tạo phong trào thi đua tìm hiểu pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân. Nhiều tỉnh đã mở rộng thi sân khấu hoá pháp luật phạm vi toàn tỉnh như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bình Thuận, Bình Định, Gia Lai, Lào Cai, Hưng Yên, Quảng Trị, Hải Dương, Thanh Hoá... Cùng với các địa phương, Trung ương Hội đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thi tìm hiểu pháp luật Đất đai, bằng hình thức thi viết trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về khiếu nại, tố cáo; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về Thuỷ sản v.v…
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam còn tổ chức tuyên truyền việc tham gia thực hiện Chỉ thị 26 của các cấp Hội trên Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, Website của Hội. Cập nhật kịp thời về: công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân của các cấp Hội; vai trò Hội với công tác hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, nông thôn và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, những nơi có khiếu kiện phức tạp, đông người; hoạt động Hội và đời sống của hội viên, nông dân ở những địa phương có các dự án thu hồi đất nông nghiệp; vai trò của chính quyền trong việc tăng cường phối hợp với Hội Nông dân các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo theo tinh thần Công văn số 1502 của Thủ tướng Chính phủ; những kinh nghiệm của Hội Nông dân các địa phương, kịp thời biểu dương một số điển hình trong tham gia thực hiện Chỉ thị 26... Hình thức thể hiện là những bài viết diễn đàn, phỏng vấn, phóng sự; trả lời thư bạn đọc, hỏi đáp về các lĩnh vực pháp luật: Khiếu nại, tố cáo, Đất đai, Dân sự, Hình sự, Hôn nhân & Gia đình và một số lĩnh vực pháp luật khác gần gũi với đời sống nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
1.2 Công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật
Được các cấp Hội quan tâm, đẩy mạnh công tác triển khai và phối hợp thực hiện, từng bước xây dựng, hình thành hệ thống trung tâm tư vấn pháp luật theo Nghị định 77/NĐ-CP của Chính phủ. Trung ương Hội thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho nông dân (năm 2009 đổi tên là Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân); một số tỉnh, thành Hội đã thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật (Hưng Yên, Nam Định, Lâm Đồng, An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang…); cấp xã thành lập các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Đến nay, hệ thống này đã đi vào hoạt động có hiệu quả với 4 954 CLB Nông dân với pháp luật và 152 920 thành viên, trong đó Trung ương Hội phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, thành xây dựng được 326 câu lạc bộ và duy trì sinh hoạt thường xuyên thông qua việc xây dựng các mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật đồng thời là tư vấn viên pháp luật tại thôn ấp, bản, vừa tham gia thành viên Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, vừa là thành viên các tổ hoà giải, là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động chấp hành pháp luật ở cộng đồng. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, đây là một kênh thông tin giúp Hội nhận và phản ánh kịp thời với Đảng và Nhà nước về tình hình nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Hội Nông dân các tỉnh, thành đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tại địa phương tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý cho nông dân vùng sâu, vùng xa và đặc biệt là tư vấn pháp luật cho nông dân ở những nơi có các dự án thu hồi nhiều đất nông nghiệp, giúp nông dân giải toả nhiều bức xúc, mâu thuẫn trong tranh chấp dân sự nhất là lĩnh vực đất đai, thu hồi, bồi thường về đất.
Trung tâm tư vấn pháp luật nông dân Trung ương Hội từ năm 2008 đến nay đã trực tiếp tư vấn 525 vụ việc, tư vấn pháp luật bằng văn bản 432 đơn, tư vấn pháp luật lưu động được 79 cuộc cho gần 4 000 đối tượng là nông dân các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Hưng Yên, Thanh Hoá, Lạng Sơn, Bà Rịa- Vũng Tàu…
10 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 1.403.382 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 50 triệu lượt hội viên, nông dân; tổ chức được 8.451 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 588.971 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; gần 4.000 cuộc thi viết và 3.100 cuộc thi sân khấu hoá tìm hiểu pháp luật với 2.519.600 lượt hội viên, nông dân tham gia; cung cấp 2.263.800 cuốn Sổ tay phổ biến pháp luật, bản tin pháp luật và hơn 36 triệu tờ rơi, tờ gấp pháp luật; trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật được 306.524 cuộc cho 6.679.494 lượt hội viên, nông dân; xây dựng được 18.288 tủ sách pháp luật với hàng triệu đầu sách pháp luật phục vụ nhu cầu của hội viên, nông dân… từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hạn chế khiếu kiện sai và vượt cấp ở địa phương.
2. Công tác hoà giải được các cấp Hội đặc biệt coi trọng, đặt trọng tâm trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, nhất là hoà giải trước, trong và sau khiếu kiện
Nhận thức sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ của Hội trong việc vận động nông dân tham gia giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn; giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng thôn, ấp, bản làng văn hoá. Qua 10 năm tham gia thực hiện Chỉ thị 26, Hội Nông dân các cấp đã lấy công tác hoà giải tại cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm trong tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Phối hợp với ngành Tư pháp tập trung chỉ đạo củng cố hệ thống tổ hoà giải ở cơ sở, tăng cường số lượng hoà giải viên là cán bộ chi, tổ Hội, hoặc các thành viên nòng cốt của câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại các thôn, ấp, bản; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này để họ có đủ kiến thức và kinh nghiệm trực tiếp hoà giải và tư vấn pháp luật cho các đối tượng ngay tại cơ sở khi các mâu thuẫn mới hình thành. Những địa phương tổ chức tốt hệ thống hoà giải viên ở cơ sở, có nhiều thành viên là cán bộ Hội đồng thời làm tốt công tác hoà giải là: Hoà Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hoá, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, An Giang…
Các cấp Hội phát huy thế mạnh vừa rộng khắp, vừa gần gũi sâu sát, có uy tín với nông dân. Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện mâu thuẫn mới phát sinh, tâm lý của từng đối tượng để có hình thức hoà giải phù hợp. Đồng thời kiên trì vận động, thuyết phục với nhiều phương pháp hoà giải linh hoạt như: dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em, thân tộc; qua đối thoại trực tiếp; qua sinh hoạt chi, tổ Hội; qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể để tổ chức hoà giải. Trong đó tập trung hoà giải tại chi, tổ Hội, kịp thời giải quyết mâu thuẫn ngay tại thôn, ấp, bản, làng. Từng bước vận dụng phương pháp tham vấn trong công tác hoà giải với mục đích khơi gợi tiềm năng của các đối tượng để họ tự hoá giải những mâu thuẫn của chính họ. Trong 10 năm, Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp hoà giải thành 194.098 vụ việc và tham gia với các ngành, đoàn thể ở cơ sở hoà giải thành 541.187 vụ việc góp phần bảo đảm trật tự xã hội ở nông thôn, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, vừa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, vừa giữ được tình làng, nghĩa xóm, tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Đối với những vụ việc hoà giải không thành, hoặc vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, các cấp Hội tiếp tục theo sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ đó, kết hợp giữa công tác vận động thuyết phục của Hội với biện pháp hành chính của chính quyền, chú trọng thực hiện hoà giải trong và sau khiếu kiện. Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp Hội vừa tham gia cùng chính quyền giải quyết, vừa kiên trì hoà giải đạt hiệu quả. Điển hình như: tại Xã Hoà Hiệp (Xuyên Mộc, Bà Rịa- Vũng Tàu) nông dân chiếm đất của nông trường Xuyên Mộc, gây mâu thuẫn giữa nông dân với nông trường kéo dài nhiều năm. Hội Nông dân đã tích cực giải thích các chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai, vận động nông dân tuân thủ pháp luật không chiếm đất của nông trường, mặt khác kiến nghị với nông trường giao khoán đất cho nông dân ổn định sản xuất, việc tranh chấp giữa nông dân với nông trường được giải quyết dứt điểm, tình hình trật tự an ninh được ổn định. Hội Nông dân xã Quang Sơn, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình đã hoà giải thành công 12 vụ tranh chấp đất đai trong nội bộ nông dân; Hội Nông dân xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, Hà Nam đã tổ chức tuyên truyền vận động nông dân kết hợp vận động doanh nghiệp xem xét, điều chỉnh lại giá bồi thường, giải quyết mâu thuẫn giữa nông dân và doanh nghiệp, được bà con chấp thuận và dự án Khu công nghiệp được tiếp tục khởi công.
3. Xây dựng mô hình điểm và tập trung chỉ đạo tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài
3.1 Xây dựng mô hình điểm Hội Nông dân thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ
Tình hình khiếu kiện gay gắt, phức tạp, kéo dài, vượt cấp xảy ra ở rất nhiều nơi trên cả nước. Trung ương Hội cùng Hội Nông dân các địa phương đã tập trung xây dựng các mô hình điểm “Hội Nông dân thực hiện Chỉ thị 26 gắn với tham gia thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở” ở những nơi có các dự án thu hồi nhiều đất nông nghiệp, những địa bàn nhạy cảm về tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo có khiếu kiện phức tạp. Qua nắm bắt tình hình, đánh giá tính chất, mức độ khiếu nại, tố cáo việc xây dựng mô hình điểm tập trung vào các nội dung chính: Tham mưu cho UBND xã thành lập Ban Chỉ đạo; tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ chính quyền, cán bộ Hội, các đoàn thể và hội viên, nông dân; vận động nông dân tham gia chấp hành pháp luật, xây dựng và triển khai quy chế phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở giữa UBND và Hội Nông dân xã; xây dựng và duy trì hoạt động Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, hoà giải và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân… nhằm giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn của nông dân địa phương, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình.
10 năm qua, các cấp Hội đã xây dựng được 1.228 mô hình điểm, trong đó Trung ương Hội phối hợp Hội Nông dân các tỉnh xây dựng được 326 mô hình, Hội nông dân các tỉnh và các huyện, thị xây dựng được 902 mô hình. Các đơn vị làm tốt là Hà Giang, Lào Cai, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Đắk Lăc. Lâm Đồng, Long An… Qua việc xây dựng mô hình điểm, vai trò, uy tín của Hội được nâng cao, cán bộ Hội tích luỹ được nhiều kiến thức, kinh nghiệm nhất là trong vận động nông dân và quan hệ phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành chức năng… thể hiện được chính kiến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân.
3.2 Tập trung chỉ đạo tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài của nông dân
- Tham gia giải quyết khiếu kiện phức tạp kéo dài, do lịch sử để lại, nội dung chủ yếu là nông dân đòi lại đất cũ thời kỳ tập đoàn sản xuất, tranh chấp đất đai giữa nông, lâm trường với các hộ nông dân… điển hình như xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là nơi tranh chấp đất đai của đồng bào Khơ mer rất phức tạp, kéo dài nhiều năm, có lúc hàng trăm người lên thành phố HCM khiếu kiện, Hội Nông dân phối hợp cùng chính quyền kiên trì tập trung nghiên cứu nguyên nhân; kiên trì vận động, thuyết phục, giải quyết gần 800 đơn thư, hoặc xã An Hoà Tây, huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre nhiều hộ nông dân đòi lại ruộng đất trước đây đưa vào tập đoàn… đến nay tình hình cơ bản ổn định.
- Tập trung tham gia giải quyết vụ việc khiếu kiện liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng mở rộng khu đô thị, xây dựng khu công nghiệp, làm đường giao thông… Điển hình như: Xã Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình) cả xã có 1.400 hộ, với 362 ha đất nông nghiệp thì cả 1.400 hộ đều thuộc diện thu hồi đất với 310ha, Hội đã cùng chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức học nghề và xây dựng 4 HTX ngành nghề cho 500 lao động, đến nay 100% hộ đã nhận tiền đền bù, không có khiếu kiện. Xã Long Xuyên (Bình Giang, Hải Dương): thu hồi 4ha đất của 30 hộ nông dân để mở rộng đường giao thông, xảy ra khiếu kiện, Hội Nông dân xác minh việc đền bù sai, đã kiến nghị UBND huyện giải quyết, tình hình trở lại ổn định. Những vụ việc nổi cộm như vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), vụ khiếu kiện đông người đối với Nhà máy mỳ Krông Pa, nhà máy Thuỷ điện An Khê Ka Nák (Gia Lai)… Ban Chỉ đạo 26 Trung ương Hội đều nghiên cứu và có ý kiến để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.
- Chủ động tham gia giải quyết có kết quả những vụ việc khiếu kiện tại những địa bàn có tính chiến lược, liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, vùng đồng bào giáo dân, vùng biên giới, đặc biệt là Tây Bắc, Tây Nam bộ và Tây Nguyên, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội nông thôn, không để các thế lực thù địch lợi dụng. Điển hình: Vụ việc của giáo dân thuộc xã Công Thành (Yên Thành, Nghệ An) tố cáo cán bộ xã tiêu cực, giáo dân không hợp tác với chính quyền (không đóng thuế) kéo thành đoàn hơn 40 người đến trụ sở tiếp dân của tỉnh. UBND tỉnh đã giao cho Hội đứng ra tiếp, vận động, giải thích. Hội cử cán bộ xác minh nội dung đơn thư kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết; đồng thời đối thoại với dân những nội dung khiếu kiện không đúng, giúp ổn định tình hình. Xã Mỹ Đức (Hà Tiên, Kiên Giang) thu hồi 86ha xây dựng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Việt Nam- Campuchia) tình hình khiếu kiện phức tạp, Hội đã tham gia giải quyết hơn 100 đơn khiếu kiện của nông dân, đến nay chỉ còn 6 đơn đang tiếp tục giải quyết. Xã điểm Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là xã đông đồng bào người dân tộc có hàng chục ki lô mét đường biên giới với nước bạn Lào, là điểm nóng về buôn bán ma tuý, qua xây dựng, chỉ đạo điểm, nhiều tệ nạn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội đã giảm.
Bên cạnh đó các cấp Hội đã tích cực tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân về môi trường: Những năm gần đây công nghiệp hoá ngày càng phát triển kèm theo hiểm họa từ chất thải của các khu công nghiệp ra môi trường làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản và sức khoẻ của nhân dân, nhất là nông dân gần các khu công nghiệp trên chính mảnh đất của họ. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Hội Nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ngãi tổ chức hướng dẫn nông dân ổn định tình hình, xác định nguyên nhân, đánh giá mức độ thiệt hại do ô nhiễm chất thải... tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân. Cùng với những nỗ lực kiên trì, bền bỉ đấu tranh của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Hội Nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh… đến nay những thiệt hại nặng nề do hậu quả nhiễm chất thải từ Công ty Vedan (Đồng Nai) đã được đền bù hàng trăm tỷ đồng. Nhà máy Mía đường Quảng Ngãi cũng đã phải xem xét lại quy trình xử lý nước thải đổ ra sông Trà…
4. Tham gia với các cấp Chính quyền, các ngành chức năng tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân
Thực hiện Chỉ thị 26, nhiều địa phương, UBND ra quy chế phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp tiếp nông dân đến khiếu nại, tố cáo; tổ chức đối thoại, giải đáp những vướng mắc, khiếu nại của nông dân theo định kỳ, hình thức giải quyết công khai được nông dân đồng tình, ủng hộ. Một số tỉnh có khiếu kiện đông người tập trung đến trụ sở các cơ quan Nhà nước tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh phối hợp cùng với Hội Nông dân vận động thuyết phục nông dân trở về địa phương chờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân ở một số nơi, UBND tham khảo ý kiến của Hội trước khi ra quyết định giải quyết và giao cho các cơ quan chức năng phối hợp cùng Hội vận động, thuyết phục nông dân có khiếu kiện thực hiện các quyết định đúng của cấp có thẩm quyền. Tại các địa phương được UBND thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26, Hội Nông dân cùng cấp được mời tham gia các Ban chỉ đạo, Ban giám sát, Ban quản lý… các chương trình, dự án về thu hồi, đền bù đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng (Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương, Long An, Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng…).
Ngoài việc tham gia với các cấp chính quyền, các ngành tiếp dân và giải quyết đơn thư, các cấp Hội còn bố trí lịch tiếp cán bộ, hội viên, nông dân ngay tại trụ sở cơ quan để trao đổi, đối thoại và giải thích những vướng mắc của nông dân (Trung ương Hội đã bố trí phòng tiếp cán bộ, hội viên, nông dân riêng và giao Văn phòng phối hợp Ban Kiểm tra tiếp dân và giải quyết đơn thư). Những vụ việc thuộc thẩm quyền của Hội thì chủ động yêu cầu đơn vị, cá nhân có liên quan giải quyết ngay, nếu không thuộc thẩm quyền thì tư vấn, giải thích và hướng dẫn để người khiếu nại đến đúng nơi giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt ngành Thanh tra đã tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Hội tham gia đoàn thanh tra xác minh vụ việc cụ thể, làm rõ đúng sai và có chính kiến đề xuất biện pháp giải quyết đồng thời làm nhiệm vụ giám sát theo chức năng của các đoàn thể nhân dân. Nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, các cơ quan thanh tra vừa giải quyết, các cấp Hội vừa chủ động tiến hành hoà giải, vận động thuyết phục đối tượng chấp hành đúng Luật Khiếu nại, tố cáo. Phối hợp trong việc giám sát trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Những nơi sự phối hợp giữa Thanh tra và Hội Nông dân chặt chẽ thì nơi đó giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân tính công khai, dân chủ cao, có hiệu quả và bền vững. Các cấp Hội còn tham gia với các ngành chức năng vận động, thuyết phục nhiều vụ khiếu kiện đông người tại những điểm nóng, như vụ nông dân của huyện Xuân Lộc, Đồng Nai khiếu nại bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất làm trường bắn quốc gia, quy hoạch đường song hành Quốc lộ 1A xã Xuân Hiệp có tới 674 đơn khiếu nại, qua phân loại đơn thư kết hợp vận động đã có 589 đơn được nông dân rút lại đơn, còn 85 đơn đã được cơ quan chức năng và Hội Nông dân phối hợp giải quyết.
Trong 10 năm, Hội Nông dân các cấp đã tham gia cùng các cấp chính quyền, ngành Thanh tra tiếp 350.111 lượt hội viên, nông dân, giải quyết 302.350 vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân. Các cấp Hội trực tiếp giải quyết 96.560 đơn thư thuộc thẩm quyền của Hội.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Đánh giá chung
Mười năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, sự phối hợp của các bộ, ngành và chính quyền địa phương, các cấp Hội đã chủ động, sáng tạo, tích cực tổ chức thực hiện các nội dung của Chỉ thị 26, nổi bật là công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cho nông dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nông dân, hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp. Tuyên truyền vận động hội viên, nông dân thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với thực hiện công tác hoà giải trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, đặc biệt hoà giải trước, trong và sau khiếu kiện để những mâu thuẫn phát sinh được giải quyết ngay tại cơ sở, hạn chế khiếu kiện vượt cấp. Công tác phối hợp giữa Hội với các cấp chính quyền, các ngành trong việc tiếp nông dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân từng bước đi vào nề nếp và tổ chức thực hiện đạt kết quả. Qua đó đã góp phần giải quyết vấn đề bức xúc của xã hội, đồng thời đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, tạo cầu nối giữa chính quyền với nhân dân. Tổ chức Hội thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Được các cấp, các ngành đánh giá cao, đông đảo nông dân ủng hộ, từ đó vị thế của tổ chức Hội được nâng cao, trình độ cán bộ nâng lên về mọi mặt, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước.
2. Những hạn chế, yếu kém và khó khăn trong quá trình Hội tham gia thực hiện Chỉ thị 26
- Vai trò Hội Nông dân cơ sở có lúc, có nơi còn yếu và thụ động. Chưa chủ động tham mưu, đề xuất chính kiến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân, chỉ đến khi cấp uỷ, chính quyền tác động mới tham gia.
- Trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, một số nơi Hội chưa thực sự làm tốt vai trò đại diện cũng như tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tham gia giám sát quá trình công khai, minh bạch việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tổ chức hoà giải, công tác giám sát, tiếp và đối thoại với dân chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Trong công tác chỉ đạo, nhiều nơi thiếu kiểm tra, đôn đốc, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm.
- Sự phối hợp giữa Hội Nông dân với các ngành chức năng có lúc, có nơi không chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục. Nhiều nội dung phối hợp còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
- Năng lực chuyên môn, kỹ năng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cán bộ Hội còn hạn chế nên khi tham gia phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân còn lúng túng. Một bộ phận cán bộ, hội viên nông dân chưa ý thức được việc thực hiện các quy định của pháp luật, chưa tự giác tìm hiểu, học tập, nghiên cứu và chấp hành pháp luật.
- Nhiều địa phương chưa quan tâm cấp kinh phí để Hội Nông dân các cấp thực hiện Chỉ thị. Ngược lại vì nhiều lý do Hội Nông dân cũng không có ý kiến đòi hỏi. Từ năm 2002 - 2007 có rất ít địa phương quan tâm tạo điều kiện về kinh phí cho Hội thực hiện Chỉ thị. Sau khi có Thông tư 44/2008/TT-BTC ngày 30/5/2008 của Bộ Tài chính mới có khoảng 50% địa phương cấp kinh phí cho Hội Nông dân nhưng cũng ở mức rất khiêm tốn và phổ biến là cấp cho Hội Nông dân tỉnh, thành phố còn ở các cấp huyện, thị Hội và cơ sở đa số không có kinh phí cho hoạt động này.
Nguyên nhân chủ yếu làm hạn chế đến việc thực hiện Chỉ thị 26 là:
- Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền và ban, ngành các cấp còn chưa thực sự đầy đủ, thống nhất đồng bộ, nên việc tạo điều kiện và phối hợp với Hội Nông dân các cấp chưa chặt chẽ. Thậm chí có tư tưởng cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc làm của chính quyền và của các cơ quan pháp luật, Hội Nông dân tham gia không đúng chức năng, nên không tạo điều kiện ngay từ đầu (nhất là tham gia vào những dự án có thu hồi nhiều đất của nông dân) đến khi xảy ra khiếu kiện mới yêu cầu Hội tham gia, nên gặp rất nhiều khó khăn.
- Các cấp Hội ở một số địa phương chưa phát huy được chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chưa chủ động tích cực phối hợp với chính quyền cùng cấp và các ngành chức năng.
- Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân ở một số nơi còn chưa tốt, còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất. Việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo và công tác hoà giải ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với nông dân còn hình thức, nhất là đối tượng nông dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Phương pháp tuyên truyền còn thiếu phong phú, ít hấp dẫn nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
- Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; điều kiện, phương tiện hoạt động còn khó khăn.
3. Một số kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai thực hiện Chỉ thị 26:
- Hội Nông dân các cấp phải chủ động tham mưu, đề xuất những cách làm hay, ý kiến, nguyện vọng của nông dân với cấp uỷ, chính quyền, các ngành chức năng để thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ. Phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp.
- Chủ động trong việc tiếp dân, giải thích các chủ trương, chính sách, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân nói chung và nông dân nói riêng. Việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân phải coi trọng công tác hoà giải, đối thoại với dân nhằm củng cố khối đoàn kết trong nông dân, hàn gắn những rạn nứt về lòng tin của nông dân với Đảng, chính quyền cơ sở. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 26 với thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn để giải quyết tận gốc những vấn đề bức xúc ở nông thôn.
- Đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực trình độ, nhất là cán bộ Hội Nông dân cơ sở, tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân. Xây dựng lực lượng cốt cán sâu sát dân, nắm bắt dư luận xã hội ở nông thôn, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, mâu thuẫn trong nông dân để phản ảnh, đề xuất với Đảng, chính quyền, là cơ sở để hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đúng pháp luật.
- Coi trọng công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, giải thích chế độ chính sách, quyền và nghĩa vụ của nông dân.
- Thường xuyên tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, tìm ra những điểm còn hạn chế, tồn tại, đề xuất giải pháp thực hiện, đồng thời phát hiện và nhân rộng những điển hình xuất sắc.
Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU - NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ 26 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU
Tiếp tục tham gia thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp Hội nhằm phát huy vai trò đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân, góp phần giữ vững an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội nông thôn.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết của hội viên, nông dân
- Tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho hội viên, nông dân về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhất là những nội dung liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới, những nội dung pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
- Phối hợp với ngành Tư pháp tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động tại cộng đồng thôn, ấp, bản làng giúp cán bộ, hội viên, nông dân hiểu biết và nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp với pháp luật và tự giải quyết những vướng mắc mâu thuẫn tại cơ sở.
- Xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” và mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật là cán bộ, hội viên, nông dân ngay tại các thôn, ấp, bản làng để chuyển tải thông tin pháp luật đến người nông dân.
- Triển khai Luật phổ biến, giáo dục pháp luật đến các cấp Hội Nông dân.
2. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành chức năng để tham gia có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân
- Chủ động và phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức tiếp nông dân, đối thoại với nông dân; chủ động tham mưu và tham gia việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; công tác hoà giải trong nội bộ nông dân, hoà giải trước, trong và sau khiếu kiện; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
- Chủ động đề xuất cử đại diện tham gia ngay từ đầu việc giám sát quá trình thực hiện các dự án có thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp của nông dân. Có chính kiến khi tham gia vào việc giải quyết chính sách về đời sống, việc làm, dạy nghề, tái định cư… nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân.
3. Chỉ đạo xây dựng mô hình tại các địa phương
- Tập trung chỉ đạo khảo sát, nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo của nông dân; tổ chức xây dựng mô hình ở cơ sở có khiếu nại, tố cáo phức tạp; những nơi có vấn đề nổi cộm phát sinh trong quá trình xây dựng nông thôn mới góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn.
- Vận động hội viên, nông dân tham gia giám sát, phản ánh việc công khai, minh bạch kết quả triển khai, thực hiện các chương trình dự án thu hồi, hỗ trợ, đền bù và bồi thường về đất đai của nông dân.
- Coi trọng công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay về công tác tham gia với các cấp chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
4. Thực hiện tốt công tác hoà giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nông dân
Tổ chức tốt mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật nòng cốt tại các thôn, ấp, bản làm thành viên các tổ hoà giải; chủ động nắm tình hình, sớm phát hiện nguyên nhân, bản chất của mâu thuẫn, nắm được tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của các bên trong tranh chấp từ đó vận động hội viên, nông dân tự hoà giải ngay tại chi tổ Hội. Chủ động phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể trong việc hoà giải để những vụ việc đơn giản phải được giải quyết ngay tại cơ sở. Cần chú ý làm tốt công tác hoà giải trước, trong và sau khi khiếu kiện.
5. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách các cấp Hội để tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân
Hàng năm, các cấp Hội cần chủ động xây dựng kế hoach đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Nội dung tập trung vào tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và các kỹ năng công tác Hội.
III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT VỚI ĐẢNG, NHÀ NƯỚC
1. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định nhằm chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện và tăng cường phối hợp với Hội Nông dân các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo thay thế Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001, đồng thời tạo cơ chế, chính sách để Hội Nông dân tham gia với các cấp chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân được tốt hơn.
2. Đề nghị các cấp uỷ Đảng chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường phối hợp với Hội Nông dân thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chỉ đạo UBND xây dựng Quy chế phối hợp với Hội Nông dân và các đoàn thể cùng cấp về phối hợp thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác giám sát ở địa phương. Phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến về tổ chức hệ thống Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật và tổ chức các cuộc thi nông dân tìm hiểu pháp luật gắn với thiết chế văn hoá cơ sở.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TƯ Đảng,
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng,
- Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng,
- Văn phòng Chính phủ,
- Các bộ, ngành có liên quan,
- UBTƯ MTTQ và các đoàn thể ở TW,
- UBND các tỉnh, thành phố,
- Các đ/c Thường trực TW Hội,
- Các thành viên Ban Chỉ đạo 26 TW,
- Hội Nông dân các tỉnh, thành phố,
- Các Ban, đơn vị trực thuộc TW Hội,
- Lưu VP, BKT.
|
T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Duy Lượng
|