Hội ND Hà Nội: Tích cực thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn
(KNTC)- Với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho hội viên nông dân, các cấp Hội Nông dân Hà Nội đã tổ chức và phối hợp với chính quyền, các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường cùng cấp tổ chức tuyên truyền các nội dung của việc xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở đến với hội viên, nông dân.
Việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức quán triệt các văn bản mới về thực hiện QCDC liên quan đến “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, giúp hội viên, nông dân hiểu đầy đủ về quyền, nghĩa vụ trong việc xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước, cụm dân cư, người dân được biết, được bàn và được quyết định; tham gia giám sát các hoạt động ở cơ sở... Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia góp ý vào các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, đã có 68.973 ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; 52.467 ý kiến vào Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); 237.426 ý kiến vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), vận động hội viên viết 61.234 bài thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...
Hội viên, nông dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các đề án về xây dựng đường giao thông, đề án xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, xây dựng nhà văn hóa tại địa phương. Tham gia bàn và quyết định việc điều chỉnh, bổ sung hương ước xóm; việc thực hiện quy ước nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; mức huy động đóng góp tự nguyện xây dựng nông thôn mới và dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.... Trong 17 năm đã vận động nhân dân và hội viên đóng góp hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Chỉ tính riêng 5 năm (2011- 2015) đã vận động nhân dân và hội viên đóng góp được 2.985 tỷ đồng, xây dựng hàng ngàn km kênh mương nội đồng và đường giao thông.....
Hội Nông dân tham gia giám sát đầu tư cộng đồng, các công trình xây dựng cơ bản của cơ sở, giám sát UBND trong việc quản lý nhà nước, thực hiện chính sách về tài chính, đất đai, an ninh trật tự, tiếp dân, giải quyết giao dịch hành chính, giám sát chế độ công tác của cán bộ công chức cơ sở. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân, phản ánh kịp thời với tổ chức Hội và chính quyền cơ sở, do vậy việc tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp ý kiến, kiểm tra giám sát của cán bộ, hội viên, nông dân trong công tác lãnh đạo các cấp uỷ đảng, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện các phong trào thi đua của Hội, trong những năm qua các cấp Hội đã thực hiện có hiệu quả 3 phong trào thi đua và 02 cuộc vận động: cuộc vận động xây dựng “Người nông dân Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe công đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Trong 3 phong trào thi đua thì phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm, nòng cốt thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia hưởng ứng, tạo điều kiện cho nông dân phát huy trí tuệ, tích cực, sáng tạo, chủ động phát triển kinh tế - xã hội theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Gắn thực hiện QCDC với thực hiện Chỉ thị 26, các cấp Hội đã chủ động phối hợp cùng chính quyền, các ban ngành chức năng tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung chủ yếu về lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách.... Chủ động và tham gia phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng hoà giải, tư vấn pháp lý, tham gia giải quyết được nhiều vụ việc mâu thuẫn ngay tại cơ sở, tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, vượt cấp, đông người kéo dài đã giảm đáng kể, các cấp Hội đã tham gia giải quyết 5.253 đơn, chuyển các cơ quan chức năng là 3.070 đơn chủ yếu là kiến nghị về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, hôn nhân và gia đình. Tham gia hòa giải ở cơ sở các mẫu thuẫn nhỏ trong nội bộ nông dân là 17.086 vụ, trong đó Hội trực tiếp hoà giải thành 8.760 vụ, phối hợp với các ngành hoà giải 8.326 vụ; phối hợp với các ngành và UBND tiếp dân: 102.912 buổi.
Nhiều cơ sở Hội đã xây dựng Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, mạng lưới cộng tác viên pháp luật, thực hiện việc phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn, tính đến tháng 5/2015, có 530 Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" với 29.000 thành viên, trong đó có 77 CLB “Nông dân với pháp luật” điểm thực hiện Chỉ thị 26.
Có thể nói rằng, qua 17 năm thực hiện QCDC cơ sở, các cấp Hội Nông dân Hà Nội đều thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với UBND trong thực hiện pháp lệnh dân chủ cơ sở, từ đó vai trò của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định, hệ thống chính trị ở địa phương ngày được củng cố, phát triển và hoạt động có hiệu quả, củng cố được niền tin của nông dân đối với Đảng, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Quang Huy