Bắc Giang: Hiệu quả từ việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở
10:16 - 29/06/2015
(KNTC) - Nhằm làm tốt công tác kiểm tra và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã xây dựng chương trình, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị, thành Hội xây dựng chương trình công tác kiểm tra theo hướng dẫn.
Ảnh minh họa

Theo đó, Bắc Giang hiện có 85,3% đảng viên, 73,5% số hộ gia đình ở cơ sở tham gia học tập, quán tiệt. Qua đó nhân dân, cán bộ, đảng viên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ; nhận thức về luật pháp như: Luật đất đai, pháp lệnh công chức... được nâng lên. Những việc nhân dân quan tâm như nghĩa vụ đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, mức thu phí và lệ phí do Nhà nước quy định, chính sách khen thưởng người có công, việc đề bạt cán bộ, tài chính công khai, khen thưởng ở cơ quan... đều được làm rõ để dân hiểu, thực hiện. Sau bước nghiên cứu, học tập, các xã, phường, thị trấn đã chỉ đạo các thôn, bản, khu phố xây dựng hoàn thiện 2.081 bản quy ước thực hiện dân chủ ở cơ sở, đạt 87% với tổng số thôn bản, khu phố trong tỉnh.

Thực hiện có hiệu quả phương châm: "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tỉnh huy động hàng triệu ngày công và gần 300 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới 25 phòng học, nhà trẻ, nâng cấp 1.217 km đường giao thông nông thôn, trong đó vốn do dân đóng góp hơn 70%; cứng hóa 243 km kênh mương nội đồng, xây lắp 25 trạm điện hạ áp và 101 km đường dây tải điện, tu bổ 47 nghĩa trang liệt sĩ.

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa của nhân dân được nâng lên, cuộc vận động, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư đã đem lại các kết quả đáng khích lệ. Hiện nay toàn tỉnh có 33% số làng, bản, khối phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, 62% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Trong quá trình triển khai thực hiện QCDC, các cấp ủy đã gắn với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc vận động "ba xây, ba chống" do Tỉnh ủy phát động. Cấp ủy các đơn vị duy trì hàng năm có từ một đến hai lần họp nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng đảng, nhân dân đã thẳng thắn đóng góp ý kiến cho đảng viên. Các chủ trương công tác của chi bộ về phát triển sản xuất, xây dựng quê hương, cơ quan, đơn vị nhân dân được tham gia, đóng góp nhiều ý kiến hay.

Thực hiện QCDC còn giúp các cấp ủy thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Mặt khác thông qua thực hiện QCDC nâng cao vai trò của HĐND các cấp, nội dung phương thức hoạt động của HĐND được cải tiến. HĐND các cấp ngày càng phát huy tốt hơn trách nhiệm đại biểu của nhân dân, góp phần khắc phục tình trạng quan liêu trong bộ máy HĐND, UBND công khai tài chính hằng năm, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng đều được công khai đã hạn chế tuỳ tiện sử dụng kinh phí ngân sách, khắc phục có hiệu quả tệ nạn tham ô, lãng phí ở các cấp.

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã thúc đẩy, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ. Tất cả xã, phường, thị trấn trong tỉnh có tổ thanh tra nhân dân, lập 2.121 tổ hòa giải, 2.375 tổ liên gia, 588 tổ bảo vệ, 813 tổ an ninh. Ngoài việc phối hợp chính quyền giám sát việc thực hiện QCDC, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên đã phát động nhiều phong trào: Thi đua lao động sáng tạo trong công nhân viên chức; hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; "phụ nữ giúp nhau làm kinh tế", "thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước"...

Từ việc nhận thức, tiếp cận được các văn bản hướng dẫn đã giúp cán bộ, hội viên, nông dân phát huy mạnh mẽ vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tạo sự đồng thuận, gắn bó trong toàn xã hội phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.

 
 
Thanh Mai
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp