Thông tri 491 TT/HND ngày 24/8/1998 v/v các cấp Hội phối hợp thực hiện QCDC ở cơ sở
15:39 - 06/07/2009

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

---***---

Số  491 TT/HND

 

 

 
Hà Nội, ngày 24  tháng 8 năm 1998

 

            THÔNG TRI

VỀ VIỆC CÁC CẤP HỘI PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

 

 

       Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân về kinh tế- chính trị- xã hội. Nhờ đó trong cả nước và ở nông thôn những năm qua sản xuất phát triển, đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều biến đổi tích cực giữ vững ổn định chính trị- xã hội. Tuy nhiên, quyền làm chủ của nông dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn đang phổ biến.

Những năm qua nhìn chung các cấp Hội, nhất là cơ sở đã chủ động phối hợp với chính quyền, các đoàn thể, tham gia phát huy quyền làm chủ, vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới; góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của đất nước. Song còn nhiều tổ chức cơ sở Hội chưa quan tâm đầy đủ đến công tác vận động nông dân phát huy quyền làm chủ, tham gia giám sát thực hiện các chủ trương chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước nhất là tham gia giám sát công việc của chính quyền, đơn vị về sản xuất và phân phối, về việc sử dụng công quỹ, tài sản công, về thu chi tài chính các khoản đóng góp của dân, quyết toán các công trình xây dựng cơ bản.

Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp nông dân, lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội nông thôn. Hội có trách nhiệm to lớn phối hợp với chính quyền trong việc thực hiện và giám sát thực hiện các quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong hội viên, nông dân, làm cho mọi người hiểu và sử dụng đúng các quyền của mình đã quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị TW Đảng khóa VIII, Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ và Chỉ thị số 22/1998/CT-TTg ngày 15/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ TW Hội Nông dân Việt Nam yêu cầu các cấp Hội triển khai thực hiện một số điểm sau đây:

1. Tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân học tập Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quán triệt nhận thức đầy đủ các quan điểm và nội dung Quy chế dân chủ. Dân chủ gắn liền với phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao dân sinh, dân trí. Dân chủ trực tiếp gắn liền với phát huy dân chủ đại diện, xây dựng chính quyền trong sạch vựng mạnh khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng. Dân chủ phải đi đôi với đảm bảo kỷ cương theo pháp luật; quyền hạn gắn với trách nhiệm, lợi ích đi đôi với nghĩa vụ. Gắn việc thực hiện cơ chế dân chủ với tham gia sửa đổi cơ chế chính sách về thủ tục hành chính không còn phù hợp.

2. Xây dựng chương trình hành động cụ thể của từng cấp Hội. Trong đó chương trình kế hoạch của cơ sở Hội cần đạt các nội dung sau:

- Tăng cường sinh hoạt chi Hội, tổ Hội, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiểu biết pháp luật cho hội viên, nông dân.

- Phối hợp với HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, công khai những nội dung đã được quy định trong Quy chế dân chủ.

- Tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia xây dựng các dự thảo Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND xã, phường, thị trấn. Bàn bạc và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ, đến đời sống của hội viên, nông dân. Phối hợp với trưởng thôn, ấp, bản, làng thực hiện các nội dung quy định trong quy chế.

- Thực hiện và giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ theo hệ thống Hội. Phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng hội viên, nông dân với Đảng, với Hội cấp trên, đề xuất với chính quyền cách giải quyết.

Các tỉnh, thành Hội, các huyện, quận, thị Hội cần phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng chương trình kế hoạch và chọn điểm chỉ đạo. Mỗi huyện chọn một điểm (theo xã điểm của UBND huyện), sơ kết rút kinh nghiệm kịp thời.

3. Các cấp Hội có trách nhiệm tham gia với chính quyền cùng cấp xây dựng Quy chế dân chủ, quy định cụ thể những việc phải làm để bảo đảm quyền làm chủ. Đặc biệt các cơ sở Hội có trách nhiệm tham gia với UBND xã, thôn, ấp, bản, làng xây dựng các quy ước, hương ước của địa phương.

4. Xác định rõ trách nhiệm của từng cấp Hội (cơ sở, huyện, thành, thị, tỉnh, thành) trong việc thực hiện Quy chế này.

5. Về tổ chức thực hiện, các cấp Hội cần:

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục đối với cán bộ, hội viên, nông dân.

- Tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở, nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện Quy chế dân chủ.

- Xác định rõ những việc Hội phối hợp với chính quyền địa phương và những việc Hội trực tiếp tổ chức thực hiện.

- Nâng cao độ đồng đều, khắc phục những cơ sở yếu kém để các cơ sở Hội thực hiện tốt Quy chế dân chủ.

Yêu cầu Ban Thường vụ các tỉnh, thành Hội căn cứ vào Thông tri này có kế hoạch triển khai, chỉ đạo tổ chức thực hiện, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện và những vấn đề mới phát sinh, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Quy chế dân chủ về Ban Thường vụ TW Hội.

 

Nơi nhận:

- Các tỉnh, thành Hội

- Văn phòng TW Đảng

- Văn phòng Chính phủ

- Ban Tổ chức- cán bộ CP

- Ban Dân vận TW

- UBMTTQVN

- Các đ/c Ủy viên BTV TW Hội

- Các đơn vị trực thuộc

- Lưu VT, Ban Kiểm tra

T.M BAN THƯỜNG VỤ TW HỘI

CHỦ TỊCH

 

Nguyễn Đức Triều

(đã ký)

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp