Chỉ thị 07/CT-HND ngày 12/2/2001 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về tiếp tục thực hiện tốt QCDC ở cơ sở
HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
---*---
Số: 07CT/HND
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 2001
|
CHỈ THỊ
về việc tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở
Thực hiện Chỉ thị 30CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị và Nghị định 29/1998/CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ra Thông tri 491/TT-HND ngày 24/8/1998 hướng dẫn các cấp Hội thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn có nông dân. Các cấp Hội đã chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản trên đạt được kết quả bước đầu.
Tuy nhiên quyền làm chủ của cán bộ hội viên nông dân một số nơi vẫn còn bị vi phạm trên nhiều lĩnh vực. Tình trạng khiếu nại tố cáo của nông dân vẫn còn nhiều, có mặt gay gắt. Có những vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp và kéo dài ảnh hưởng không tốt đến sản xuất, đời sống nông dân, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.
Hội Nông dân một số nơi chưa nhận thức đầy đủ, chưa tổ chức cho hội viên, nông dân quán triệt sâu sắc, chưa tích cực vận động hội viên nông dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện. Mặt khác chưa tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Vì vậy hội viên nông dân thiếu tin vào tổ chức Hội.
Thực hiện Chỉ thị 59/CT-TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị để phát huy vai trò của Hội Nông dân, khắc phục những tồn tại, đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở theo chỉ đạo của Bộ chính trị, Ban Thường vụ Trung ương Hội yêu cầu các cấp Hội tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về Chỉ thị 30, Thông báo 304 của Bộ Chính trị, Nghị định 29 của Chính phủ và các văn bản của Trung ương Hội về Quy chế dân chủ cơ sở, đặc biệt là Chỉ thị 59/CT-TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị.
2. Vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
Vận động hội viên, nông dân đi dự đầy đủ các cuộc họp do Hội hoặc chính quyền tổ chức. Đóng góp ý kiến xây dựng và có ý thức thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật, kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước, của địa phương các quy ước của thôn, ấp, bản, làng. Thảo luận, quyết định những công việc quan trọng liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ về kinh tế, chính trị, xã hội của hội viên, nông dân. Tham gia ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng Hội. Hội Nông dân cơ sở cần làm tốt chức năng đại diện, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức kinh tế xã hội kiểm tra, giám sát, việc công khai tài chính từ các nguồn huy động, sử dụng nguồn ngân sách tài chính, các chương trình, dự án ở cơ sở.
Vận động cán bộ hội viên, nông dân gương mẫu thực hành tiết kiệm, thi đua sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng người nông dân, gia đình nông dân văn hoá, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, quy ước của xã, phường, thôn, ấp, bản và thực hiện nghĩa vụ của công dân.
3. Hội Nông dân cơ sở cần phải thực hiện tốt chức năng đại diện quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân, làm tốt việc tiếp cán bộ, hội viên, nông dân đến phản ánh, kiến nghị, đề nghị Hội can thiệp giúp đỡ; phải kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân với Đảng, chính quyền, đồng thời đề xuất biện pháp và tham gia giải quyết, trả lời những vướng mắc của hội viên, nông dân.
4. Khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo đến tỉnh, thành, huyện thị Hội, thì Hội có trách nhiệm cùng với cơ sở phối hợp với chính quyền, các tổ chức có liên quan để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của hội viên nông dân kịp thời, đúng pháp luật. Hội Nông dân cơ sở phát hiện, đấu tranh kịp thời những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nông dân, hướng dẫn, giải thích hội viên nông dân tuân theo luật khiếu nại tố cáo. Các khiếu kiện của hội viên nông dân phải được giải quyết tại cơ sở. Chi, tổ Hội phải tích cực, chủ động hoà giải mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân góp phần ổn định trật tự xã hội an ninh nông thôn.
5. Tăng cường giáo dục phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, hướng dẫn hội viên, nông dân sống, làm việc theo pháp luật. Trước mắt năm 2001 tập trung vào các Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật HTX.
6. Các cấp Hội phải báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cùng cấp để tổ chức thực hiện đúng quy chế dân chủ ở nông thôn.
Xây dựng cụ thể những việc Hội làm và những việc Hội tham gia. Tổ chức việc bồi dưỡng, tập huấn cán bộ. Thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết nhân rộng điển hình tiên tiến. Tăng cường công tác kiểm tra và báo cáo kịp thời, đúng quy định về Trung ương Hội.
7. Giao cho Ban Kiểm tra, phối hợp với các Ban, Đơn vị trực thuộc Trung ương Hội giúp Ban Thường vụ tổ chức triển khai, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Thường trực Trung ương Hội. Chỉ thị được phổ biến đến các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân.
Nơi nhận:
- Thường trực BCT
- Văn phòng Trung ương Đảng
- Văn phòng Chính phủ để báo cáo
- Ban chỉ đạo QCDC Trung ương
- Ban Dân vận
- UB MTTQ Việt Nam
- Ban Tổ chức - chính quyền CP(để phối hợp)
- Các đ/c Ban Thường vụ, BCH TW Hội
- 61 tỉnh, thành Hội để thực hiện
- Các Ban, đơn vị TW Hội
- Lưu VT, Ban Kiểm tra
|
T.M BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
( đã ký)
Nguyễn Đức Triều
|