Hội Nông dân Việt Nam thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội
12:52 - 01/06/2023
(KNTC) - Thực hiện Hiến pháp 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015, Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội", Hội Nông dân Việt Nam tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, đoàn thể liên quan triển khai công tác giám sát, phản biện.
Các cấp Hội tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân đối với nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (Ảnh minh họa)



Nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị của Hội đã được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, các bộ, ngành ghi nhận, có những tiếp thu, điều chỉnh và có những cơ chế, chính sách kịp thời bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nông dân, như: Kiến nghị sửa đổi Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn; đề nghị sửa đổi định Nghị 61/2010/NĐ-CP “Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.


Hội tham gia góp ý vào các Dự thảo văn kiện Đại Hội Đảng các cấp; Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Hợp tác xã sửa đổi; tổ chức Hội thảo “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam” có tính phản biện sâu sắc gắn với phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý phân bón; kiến nghị Nhà nước thống nhất giao cho một bộ về quản lý phân bón. Từ kiến nghị của Hội, Chính phủ đã tiếp thu, sửa đổi, ban hành Nghị định về quản lý phân bón…


Hội Nông dân các cấp ở địa phương tổ chức phản biện trực tiếp tại các hội nghị sinh hoạt Hội ở cơ sở và qua phiếu lấy ý kiến của các cơ quan chủ trì đối với hàng chục ngàn dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.


 Đồng thời, Hội còn đóng góp ý kiến phản biện bằng văn bản đối với hàng trăm dự thảo Luật, Nghị định, thông tư hướng dẫn, chương trình, đề án của các Bộ, ngành chủ trì. Hội Nông dân các cấp tổ chức phản biện trực tiếp tại các hội nghị sinh hoạt Hội ở cơ sở và qua phiếu lấy ý kiến của các cơ quan chủ trì đối với 16.967 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân và trách nhiệm của Hội Nông dân.


Các cấp Hội tích cực tham gia và đề xuất cơ chế, chính sách với Đảng và Nhà nước về những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đời sống nông dân; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham vấn, đối thoại lấy ý kiến phản biện xã hội để kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tích tụ và tập trung đất đai; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; quản lý vật tư nông nghiệp; phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.


Trong hoạt động giám sát, các cấp Hội Nông dân chủ trì, phối hợp tổ chức 6.892 cuộc giám sát việc thực hiện một số chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân như: Chính sách quản lý, đền bù, thu hồi đất đai và hỗ trợ tái định cư; việc thực hiện pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, pháp luật về bảo vệ môi trường ở nông thôn, hợp đồng tiêu thụ nông sản, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn; việc thu, chi các khoản đóng góp của nông dân trong xây dựng nông thôn mới.


Đồng thời, Hội còn tham gia các đoàn giám sát liên ngành của Mặt trận Tổ quốc, Bộ Công thương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam… giám sát việc thực hiện pháp luật về vật tư nông nghiệp; một số chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân và trách nhiệm của Hội như: chính sách hỗ trợ nông dân, đền bù khi thu hồi đất đai; thu, chi các khoản đóng góp của nông dân trong xây dựng nông thôn mới; giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường. Ngoài ra, các cấp Hội tham gia 14.746 đoàn giám sát khác do Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì.


Qua giám sát việc thực thi pháp luật về vật tư nông nghiệp, phân bón, hàng năm hội viên, nông dân đã phát hiện và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Thanh tra ngành Nông nghiệp kiểm tra, phát hiện, xử lý bình quân hàng năm trên 3.000 vụ việc vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phân bón.


Những hoạt động của Hội đã cung cấp nhiều thông tin, dữ liệu để Đảng, Nhà nước có những biện pháp điều chỉnh hoặc thúc đẩy tiến độ thực hiện; được đông đảo hội viên và nông dân đồng tình, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, được các cấp uỷ, chính quyền và dư luận đánh giá cao.


Nhằm tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cấp Hội đã thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền cùng cấp và đề xuất các giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nông dân như: Thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; ô nhiễm môi trường, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, thực phẩm không an toàn; nông dân phải đóng nhiều khoản sai với quy định, vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở...


Hàng năm, Hội Nông dân các cấp tổng hợp trên 15.200 ý kiến góp ý của cán bộ, hội viên, nông dân gửi đến cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, cá nhân được góp ý; tổ chức thực hiện góp ý bằng văn bản đối với nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức công tác ở các cơ quan, đơn vị cùng cấp, trọng tâm là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước đối với nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đảng bộ các cấp. Hằng năm, các cấp Hội Nông dân đều có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị, đề xuất của hội viên, nông dân để gửi Mặt trận Tổ quốc cùng cấp phản ánh trước các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.


Thời gian tới, Hội tiếp tục vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia góp ý, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


 

Hòa Nhân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp