An Giang: Thực hiện các quy định về giám sát, phản biện xã hội của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
Từ năm 2014 - 2021, các cấp Hội nghiên cứu các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.
Trên cơ sở đó, chủ động bàn bạc và được sự thống nhất của Ủy ban MTTQ cùng cấp ban hành Kế hoạch phối hợp giám sát. Trong quá trình giám sát hai bên phát hiện một số tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện; sau đó hai bên thông báo kết quả đến đơn vị được giám sát, kiến nghị với chính quyền, các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả giám sát cho cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp. Qua giám sát, đã có những kiến nghị xác đáng, kịp thời đề xuất điều chỉnh những quy định đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Hội ND tỉnh chủ trì, phối hợp giám sát việc thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ; việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc thực hiện chính sách hỗ trợ giá giống, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng đường bê tông nội đồng, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; xây dựng và quản lý Quỹ HTND, vốn vay ủy thác của ngân hàng CSXH. Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do covid-19. Bên cạnh đó Hội còn tham gia giám sát trên một số lĩnh vực như: thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư, kết quả thực hiện các chương trình, phương án, dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn.Kết quả chủ trì, phối hợp: 419 cuộc giám sát của các cơ quan, tổ chức được giám sát.
Được sự quan tâm chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy công tác giám sát có nhiều tiến bộ, hình thức giám sát đa dạng, nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức có nhiều sáng tạo, đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực, sát với yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả thi. Việc ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp giám sát giữa Hội ND với các ngành liên quan, đặc biệt là Ủy ban MTTQ tỉnh đã huy động được sự tham gia trách nhiệm của các bên.
Nhiều ý kiến phản biện xã hội của các cấp Hội ND được các cơ quan tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy và chính quyền địa phương cùng cấp xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Qua thực tiễn hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Hội ND tỉnh trong 8 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể cần phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định hướng dẫn của Trung ương Hội, Ủy ban MTTQ tỉnh. Đồng thời phải có cách làm, phương thức tiến hành linh hoạt, phù hợp với điều kiện về nhân lực, kinh phí, đặc điểm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và địa phương.Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện của các cấp Hội phải khách quan, trung thực, đầy đủ nhưng có sự chắt lọc kỹ càng, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả, tính khả thi. Chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị sau giám sát, phản biện và góp ý.