Hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam
Ngày 14/7/2014 Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 637-HD/HNDTW hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, ngày 14/7/2014 Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 637-HD/HNDTW hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội (Quy chế) nhằm thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện Quy chế trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở.
Hướng dẫn đã làm rõ về mục đích, tính chất của công tác giám sát, phản biện xã hội trong đó khẳng định mục đích của giám sát là nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp. Phản biện xã hội là hướng tới phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước qua đó kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hoạt động Giám sát và phản biện xã hội của hệ thống Hội các cấp mang tính nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học, thực tiễn và không phải là giám sát mang tính Nhà nước, giám sát trong Đảng. Giám sát xã hội dừng lại ở mức đánh giá, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Phản biện xã hội, dừng lại ở mức nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các văn bản của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội theo Quy chế, các cấp Hội phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan; không làm trở ngại các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát và phản biện xã hội; Bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan và mang tính xây dựng; Tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; lợi ích quốc gia, dân tộc.
Quy chế cũng đã phân định rõ về đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp giám sát và phản biện xã hội. Trong đó đối với hoạt động giám sát, đối tượng giám sát của Hội Nông dân các cấp gồm hai đối tượng chính là các cơ quan tổ chức từ Trung ương đến cơ sở bao gồm cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Các cá nhân thuộc đối tượng giám sát là cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử , công chức, viên chức nhà nước.
Các cấp Hội Nông dân chủ trì giám sát việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; chức năng, nhiệm vụ của Hội đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là các nội dung: về quản lý, sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, khai thác, sử dụng tài nguyên; đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới , bảo vệ môi trường nông thôn; việc thu, chi các loại phí, lệ phí, các khoản đóng góp, các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh và các chủ trương, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Hội.
Đối với cá nhân, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, vai trò tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, đại biểu dân cử ở nơi công tác và ở nơi cư trú.
Về công tác phản biện xã hội, Hướng dẫn đã làm rõ đối tượng phản biện của các cấp Hội là các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam đồng thời quy định không phản biện đối với các văn bản, chính sách pháp luật đã được ban hành, đang triển khai thực hiện. Nội dung phản biện các dự thảo văn bản tập trung vào sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo; sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tính khả thi của văn bản dự thảo; dự báo tác động của chủ trương, chính sách đến nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân của văn bản dự thảo.
Trên cơ sở các nội dung giám sát và nội dung phản biện xã hội được quy định trong Quy chế, Hướng dẫn đã chỉ rõ phạm vi giám sát của cấp Trung ương Hội thực hiện giám sát các văn bản, chính sách được triển khai trên toàn quốc và phản biện xã hội đối với các văn bản dự thảo do cơ quan nhà nước ở cấp trung ương ban hành. Hội Nông dân các cấp ở địa phương giám sát việc thực hiện văn bản, chính sách do cấp ủy cùng cấp và cấp trên ban hành. Phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản do cơ quan nhà nước cùng cấp và cấp trên yêu cầu.
Phương pháp thực hiện giám sát theo quy trình từ xây dựng kế hoạch giám sát, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả giám sát, trong một số trường hợp cụ thể có thể thành lập đoàn giám sát. Đối với giám sát cá nhân thì thực hiện theo phương pháp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thường xuyên giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, đại biểu dân cử trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời phản ánh, kiến nghị với tổ chức Hội về những hành vi vi phạm của đối tượng giám sát. Phương pháp phản biện xã hội được thực hiện từ bước xây dựng kế hoạch, tổ chức phản biện, gửi kết quả phản biện và theo dõi việc tiếp thu ý kiến phản biện của các cơ quan, tổ chức yêu cầu.
Để việc triển khai, thực hiện Quy chế được thống nhất, đạt hiệu quả, hướng dẫn đã đưa ra các điều kiện bảo đảm, quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện Quy chế ở từng cấp Hội đồng thời huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên, nông dân góp phần phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc giám sát, phản biện xã hội, tạo sự đồng thuận gắn bó trong toàn xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân./.
Quốc Việt