HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
*
Số 50 -BC/HNDTW
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2012
|
BÁO CÁO
Tình hình, kết quả triển khai thực hiện
Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và 01 năm thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
I. Kết quả triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư.
1. Ngay sau khi có Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/20091 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020, Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã tham mưu để Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 309-QĐ/TW, ngày 07/6/2010 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt Đề án 61) gồm 11 thành viên, do đồng chí Hà Thị Khiết- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng Ban, đồng chí Nguyễn Quốc Cường- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội làm phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61.
Tiếp đó Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ động xây dựng Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách để Hội nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện một số chương trình, đề án trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020” gửi bằng văn bản xin ý kiến 10 bộ, ngành liên quan và đã nhận được ý kiến đóng góp Đề án bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp.
Sau khi nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp vào Đề án, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục gửi văn bản đã tiếp thu để xin ý kiến lần thứ 2 đến các bộ, ngành liên quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài Chính; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; sau đó hoàn thiện Đề án và có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án và ký, ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020.
2. Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tham mưu xây dựng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương để triển khai thực hiện Đề án và phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Tiếp đó là tham mưu thành lập Tổ thư ký giúp việc và phân công nhiệm vụ các thành viên Tổ thư ký; xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2012; lập dự toán kinh phí hoạt động năm 2012 trình Văn phòng Trung ương Đảng phê duyệt và cấp kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2012.
3. Từ ngày 26-29/7/2011, Ban Chấp hành Trung ương Hội tổ chức Hội nghị lần thứ 7 để phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Đề án; Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg đến các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội; Chủ tịch Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội.
4. Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam có văn bản số 167-CV/ĐĐHND, ngày 14/6/2011 V/v đề nghị các tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ ở địa phương.
- Ban Thường vụ Trung ương Hội đã có Công văn số 414- CV/HNDTW ngày 28/6/2011 chỉ đạo các ban, đơn vị phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 490-CV/HNDTW, ngày 18/7/2011“V/v chỉ đạo Hội nông dân các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng Đề án, Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo hoặc kế hoạch của tỉnh, thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 15 tỉnh, thành phố lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư do đồng chí Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ hoặc đồng chí Thường vụ Trưởng Ban Dân vận làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
5. Trung ương Hội đã thành lập Tổ nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới do đồng chí Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội làm Tổ trưởng. Để thực hiện nhiệm vụ Hội Nông dân Việt Nam tham gia ngay từ đầu và trực tiếp các nội dung liên quan trong xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
6. Trung ương Hội đã tổ chức một số đoàn công tác đi làm việc với một số tỉnh, thành ủy về triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ.
7. Về việc triển khai Hướng dẫn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan Hội Nông dân Việt Nam cấp tỉnh, huyện:
Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chủ động làm việc với Ban Tổ chức Trung ương Đảng để thực hiện nội dung Hướng dẫn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan Hội Nông dân Việt Nam cấp tỉnh, huyện. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động xây dựng Đề án gửi Ban Tổ chức Trung ương Đảng xem xét. Tuy nhiên, Ban Tổ chức Trung ương Đảng đề nghị phải chờ thêm một thời gian để cùng thống nhất ban hành hướng dẫn tổ chức bộ máy đối với các đoàn thể chính trị, xã hội khác.
8. Về việc Đảng đoàn Quốc Hội chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới luật liên quan đến nông dân, tạo điều kiện để giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Đến nay, Quốc hội đã và đang đẩy mạnh xây dựng mới hoặc sửa đổi một số luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Luật Biển Việt Nam, đang đẩy mạnh việc triển khai sửa đổi Luật đất đai, Luật Hợp tác xã...
II. Kết quả một năm triển khai thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
1. Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau.
1.1. Triển khai nhiệm vụ đầu tư nâng cấp và xây dựng mới trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân theo mô hình là đơn vị sự nghiệp thuộc hội nông dân cấp tỉnh, thành phố:
Sau khi có Quyết định số 673/QĐ-TTg, Trung ương Hội đã xây dựng và ban hành Quyết định số 945-QĐ/HNDTW ngày 30/12/2011 phê duyệt Đề án Quy hoạch đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh để tổ chức thực hiện.
Đến nay, đã có 30 tỉnh, thành Hội được cấp đất hoặc giới thiệu địa điểm xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, 14 tỉnh được phê duyệt xây dựng và nâng cấp bổ sung trang thiết bị Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân. Còn 10 tỉnh, thành Hội đang hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm, gồm những tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Gia Lai, Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh.
Kế hoạch năm 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giao 106,7 tỷ đồng để xây dựng mới 10 Trung tâm (mỗi Trung tâm 8,5 tỷ đồng); nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho 03 Trung tâm đã có (mỗi Trung tâm 5,5 tỷ đồng) và nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cho 01 Trung tâm đang thực hiện (5,2 tỷ đồng) trong năm 2012.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 16/3/2012, theo đề nghị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý rút ngắn thời gian hoàn thành đầu tư xây dựng mới và nâng cấp Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh xuống còn 5 hoặc 7 năm thay vì 10 năm theo Quyết định 673/QĐ-TTg tại Thông báo số 129/TB-VPCP ngày 05/4/2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Trung ương Hội đã lập kế hoạch trung hạn đến năm 2017 sẽ hoàn thành việc xây mới và nâng cấp, bổ sung trang thiết bị các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh.
Về tiến độ thực hiện các dự án trong kế hoạch năm 2012:
+ Đối với các Trung tâm đầu tư xây dựng mới:
- Đến nay 4/10 Trung tâm đã được UBND tỉnh giao đất để xây dựng Trung tâm, gồm: Ninh Bình, Ninh Thuận, Kiên Giang, Vĩnh Long; còn 6/10 Trung tâm đang đền bù giải phóng mặt bằng, dự kiến chậm nhất tháng 9-10/2012 khởi công công trình.
- Về hồ sơ, thủ tục dự án: 3/10 dự án đang hoàn thiện bước thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán để trình Thường trực Trung ương Hội phê duyệt điều chỉnh gồm (Thái Nguyên, Sơn La, Ninh Bình); 6/10 Trung tâm đã thông qua quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán để thẩm tra; 1/10 Trung tâm chưa thông qua quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc điều chỉnh (Dự án tại Tuyên Quang).
- Các Trung tâm đầu tư nâng cấp (03 Trung tâm): Trung tâm tại Điện Biên hiện nay đang bán hồ sơ mời thầu, trong tháng 8/2012 sẽ khởi công xây dựng. Trung tâm tại Lâm Đồng hiện nay đang hoàn tất thủ tục để tổ chức đấu thầu, dự kiến trong tháng 9/2012 sẽ khởi công. Riêng Trung tâm Quảng Bình do diện tích đã được cấp trước đây so với Đề án quy hoạch không đáp ứng, do vậy UBND tỉnh đã cấp cho Hội Nông dân tỉnh 1 khu đất mới có diện tích lớn hơn, hiện đang tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, đến hết tháng 7/2012 sẽ hoàn thành, sau đó tổ chức các bước tiếp theo.
- Trung tâm tỉnh Bình Thuận đang hoàn thành giai đoạn 1 và chuẩn bị hồ sơ thủ tục để thực hiện giai đoạn 2 của dự án theo Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ.
Về tiến độ giải ngân của các dự án: Tiến độ giải ngân đến nay mới đạt gần 10% kế hoạch năm. Dự kiến trong quý III và IV/2012 khi các dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị đi vào khởi công công trình, sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng yêu cầu kế hoạch giao.
1.2- Triển khai xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân:
- Trung ương Hội đã chủ động làm việc với Bộ Tài chính về việc bổ sung ngân sách cho Quỹ hỗ trợ nông dân sau khi có Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính đã cấp đủ 300 tỷ đồng cho Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương Hội trong năm 2011.
Sau khi được cấp 300 tỷ đồng, Trung ương Hội đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản kịp thời để quản lý và sử dụng có hiệu quả, đúng pháp luật Quỹ Hỗ trợ nông dân như: Điều lệ (sửa đổi bổ sung) Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam; Quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát Quỹ hỗ trợ nông dân; Quy định về hoạt động kiểm soát Quỹ hỗ trợ nông dân; xây dựng phương án phân bổ sử dụng 300 tỷ đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; mức thu phí cho vay Quỹ hỗ trợ nông dân và tỷ lệ phân bổ phí thu đối với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Trung ương quản lý.
Từ đầu năm 2012 đến nay, hầu hết các tỉnh, thành Hội đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân trình tỉnh, thành uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt và đề nghị cấp ngân sách tỉnh bổ sung vốn cho Quỹ theo Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 05/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được những kết quả bước đầu như sau:
- Năm 2011 có 14 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh với tổng số vốn cấp là 143,685 tỷ đồng; trong đó Hà Nội được cấp 125 tỷ, tỉnh Bình Dương (5 tỷ), Hải Dương (3 tỷ), Tuyên Quang, Bình Phước (2 tỷ) ... và các tỉnh được cấp thấp nhất là 500 triệu đồng.
- Năm 2012, có 11 tỉnh, thành Hội được cấp mới, 9 tỉnh, thành Hội được cấp lần 2 với tổng số vốn là 125,755 tỷ. Như vậy trong 2 năm qua đã có 25 tỉnh, thành được ngân sách địa phương cấp cho Quỹ hỗ trợ nông dân; còn 38 tỉnh, thành phố chưa được cấp Quỹ Hỗ trợ nông dân. Một số tỉnh, thành có kết quả tốt như: Thành phố Hà Nội (75 tỷ), Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An (10 tỷ), Hưng Yên, Tây Ninh (5 tỷ), Hải Dương, Bắc Giang (3 tỷ), Đắc Nông (2,2 tỷ), Lào Cai (2 tỷ), Sơn La được phê duyệt 2 tỷ đồng nhưng mới chuyển 500 triệu đồng, các tỉnh Lai Châu, Quảng Bình, Vĩnh Long, Long An, Khánh Hoà (1 tỷ), tỉnh Ninh Bình, Bình Thuận, Hậu Giang (500 triệu đồng); một số tỉnh đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục cấp vốn như: tỉnh Đồng Tháp, Quảng Trị, Lâm Đồng.
Công tác thẩm định dự án và giải ngân vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp được thực hiện đúng quy trình và tích cực. Trung ương Hội đã thẩm định và giải ngân cho 1.079 dự án, với số tiền giải ngân là 345,574 tỷ đồng cho 18.260 hộ vay. Quỹ cấp tỉnh, huyện, xã đã giúp 66.890 hộ vay với dư nợ trên 812 tỷ đồng.
2. Kết quả phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với các bộ, ngành để thực hiện các Chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội nông thôn.
Trung ương Hội trực tiếp làm việc với 8 bộ, ngành liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin- Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội; Bộ Công thương để thống nhất nội dung, nhiệm vụ, cơ chế và kinh phí để ký kết Chương trình, Nghị quyết phối hợp hoạt động theo Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Trung ương Hội đã ký kết 6 Chương trình phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và du lịch, Thông tin- Truyền thông, Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Công Thương. Các chương trình phối hợp với các Bộ đã gửi đến các tỉnh, thành Hội để làm cơ sở pháp lý, định hướng cho đơn vị cấp tỉnh ký kết chương trình cụ thể, phù hợp với địa phương. Các chương trình ký kết theo Quyết định 673 này là thể hiện sự đổi mới rõ nét trong công tác Hội và các phong trào của Hội cụ thể và thiết thực hơn, vận động đi đôi với mô hình cho hội viên.
3. Kết quả phối hợp giữa Hội Nông dân các tỉnh, thành phố với UBND, các sở, ban, ngành để thực hiện.
Sau khi có chương trình ký kết phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với các bộ, ngành gửi các tỉnh, thành Hội, các sở, ngành địa phương. Các tỉnh, thành Hội đã chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh, thành uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đồng thời xây dựng Đề án cụ thể và chương trình, Nghị quyết ký phối hợp với sở, ban, ngành có liên quan. Đến nay, đã có 49 tỉnh có chương trình phối hợp được ký kết (có phụ lục kèm theo).
III- Đánh giá chung.
Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được các bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động triển khai thực hiện sôi động và nhanh đi vào cuộc sống, có tác dụng thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực, góp phần củng cố, đổi mới và thúc đẩy hoạt động của các cấp Hội nông dân và phong trào nông dân; làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các cấp Hội về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương đã chủ động phối hợp và tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp trực tiếp thực hiện và tham gia thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. Cơ chế, chính sách tạo điều kiện tăng nguồn lực giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh và phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bước đầu phát huy tác dụng, tạo niềm tin, phấn khởi và sự gắn bó với tổ chức Hội, vị thế Hội được nâng lên.
Đạt được những kết quả ban đầu quan trọng như trên là do có sự chủ động, tích cực tham mưu của các cấp Hội Nông dân. Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào, Thường trực, Ban Thường vụ Hội Nông dân thường xuyên quan tâm tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành để tham mưu giúp tỉnh, thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thì công tác triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ ở địa phương đó đạt kết quả cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong việc triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
- Hướng dẫn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan Hội Nông dân Việt Nam cấp tỉnh, huyện phù hợp với yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020 chậm.
- Chưa triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
- Hoạt động của Tổ nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, lúng túng trong phương pháp, cách làm.
- Tỷ lệ địa phương cấp kinh phí cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, huyện còn rất thấp, mới có 25/63 tỉnh, thành phố cấp kinh phí cho Quỹ Hỗ trợ nông dân. Việc bố trí mặt bằng để xây dựng các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, cả nước mới có 8 tỉnh, thành Hội được cấp đất, một số mới được giới thiệu địa điểm, còn lại chưa cấp đất. Việc đổi tên Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm sang Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của các tỉnh, thành Hội còn chậm.
Việc tổ chức dạy nghề cho nông dân còn nhiều vướng mắc, nhất là trong việc cấp kinh phí dạy nghề và bố trí biên chế sự nghiệp cho trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh.
- Ở địa phương: Còn nhiều tỉnh, thành Hội gặp khó khăn trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, thành. Nguyên nhân do công tác tham mưu, xác định nội dung cơ chế, kinh phí phối hợp của nhiều tỉnh, thành Hội còn lúng túng, còn trông chờ, ỷ lại sự chỉ đạo của tỉnh, thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; bên cạnh đó, nhiều sở, ban, ngành địa phương chưa nhận thức đúng về trách nhiệm thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên chưa tích cực chủ động hợp tác với Hội Nông dân cùng cấp. Một số tỉnh không có chủ trương thành lập Ban hỉ đạo, như Điện Biên, Bình Thuận, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
IV. Nhiệm vụ trong thời gian tới.
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam để từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Tích cực chủ động tham mưu để Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 61 đi kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngoài những nội dung đã nêu trong Kết luận và Quyết định thì tập trung đi sâu vào kiểm tra, đôn đốc việc bố trí mặt bằng xây dựng các Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh; bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân; xây dựng các chương trình, đề án cụ thể tham gia phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
3. Các ban, đơn vị Trung ương Hội tăng cường tham mưu giúp Thường trực, Ban Thường vụ Trung ương Hội các giải pháp đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để sớm có Hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình phối hợp với các bộ; triển khai xây dựng Đề án Xây dựng mẫu người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đề án Nâng cao năng lực truyền thông của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
4. Xây dựng kế hoạch trung hạn về đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, bổ sung các trạng, thiết bị trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh; đồng thời, rút ngắn thời gian đầu tư theo Thông báo kết luận số 129/TB-VPCP ngày 05/4/2012 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Tổ chức làm việc với các tỉnh, thành phố chưa thành lập Trung tâm và chưa điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ để đổi tên và bổ sung nhiệm vụ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân. Đồng thời, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng mới và nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân.
5. Xây dựng kế hoạch dài hạn bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương theo lộ trình đến năm 2020; đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng dự án phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình sản xuất hàng hoá.
6. Chỉ đạo các tỉnh, thành Hội tích cực, chủ động tham mưu tỉnh, thành uỷ, UBND tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là cấp kinh phí Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; bố trí mặt bằng để xây dựng trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh; xây dựng cơ chế tham gia với các sở, ban, ngành địa phương thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với những nội dung nhiệm vụ và kinh phí cụ thể.
7. Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về việc thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673 theo lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng,
- Văn phòng Chính phủ,
- Thành viên BCĐ, TTK BCĐ ĐA 61,
- Thường trực Trung ương Hội,
- Các đ/c UV BCH TW Hội,
- Các ban, đơn vị Trung ương Hội,
- Các tỉnh, thành Hội,
- Lưu VT, BCĐ ĐA 61.
|
T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Hà Phúc Mịch
|