Để tiếp tục hạn chế khiếu kiện, ổn định tình hình an ninh chính trị xã hội nông thôn, HND tỉnh Nam Định chỉ đạo HND các cấp triển khai mở rộng xây dựng điểm thực hiện Chỉ thị 26, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh.
Các cơ sở được chọn mở rộng xây dựng điểm thực hiện Chỉ thị 26 là: xã Trung Thành (huyện Vụ Bản), xã Xuân Phú (huyện Xuân Trường), xã Yên Thọ (huyện Ý Yên), xã Giao Tiến (huyện Giao Thủy), xã Hải Long (huyện Hải Hậu), xã Nam Hồng (huyện Nam Trực), xã Hoàng Nam (huyện Nghĩa Hưng), xã Mỹ Tiến (huyện Mỹ Lộc), xã Trực Thắng (huyện Trực Ninh), xã Lộc Hòa (TP Nam Định). Tại các xã điểm, Ban chỉ đạo 26 của xã được thành lập gồm có lãnh đạo chính quyền và đại diện các ban, ngành, đoàn thể của xã cùng tham gia. Ban chỉ đạo 26 tiến hành điều tra khảo sát 200 hộ nông dân/ 1 xã, mỗi chi Hội từ 15 – 20 hội viên, nông dân. Mục đích của việc điều tra khảo sát nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan về mức độ nhận thức chính sách pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân cũng như thực trạng chấp hành pháp luật của nông dân trong toàn xã. Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để các cấp Hội chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân cho sát thực và phù hợp.
Qua điều tra khảo sát đã thu nhận được những kết quả như sau: trong 2.000 hộ nông dân được khảo sát có 1.340 chủ hộ nam, 660 chủ hộ nữ, tôn giáo có 420 hộ, trình độ cấp I là 520 người chiếm 62%, cấp II 240 người, cấp III 240 người; tuổi bình quân là 39, trong đó từ 18 – 30 tuổi là 640 người, 31 – 50 tuổi là 760 người, trên 50 tuổi là 600 người, ngành nghề 100% đều làm nông nghiệp. Kết quả khảo sát mức độ nhận thức pháp luật của 2.000 hộ nông dân cho thấy: Về Luật đất đai có số người am hiểu cao nhất đạt 64%, Bộ luật hình sự có số người am hiểu thấp nhất đạt 25%, trong đó đối tượng điều tra là nam, nữ ở độ tuổi 31 – 50 tuổi là am hiểu cao nhất. Công tác tuyên truyền pháp luật thông qua các hình thức phổ biến giáo dục PL tại địa phương được đánh giá: qua hình thức sinh hoạt của các đoàn thể, chi tổ Hội là cao nhất đạt 60%; qua đài báo là 40%; tủ sách pháp luật là 13%, tuyên truyền miệng và thi tìm hiểu pháp luật có tỷ lệ 41%. Nhu cầu tìm hiểu những chính sách về đất đai được đề đạt cao nhất là 69%. Về tình hình mâu thuẫn, tranh chấp trong các lĩnh vực: ranh giới liền kề cao nhất chiếm tỷ lệ 64%, đất đai chiếm tỷ lệ 61%, tài sản thừa kế chiếm 51%, mâu thuẫn gia đình chiếm tỷ lệ 57%. Để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp đó, các hộ dân đến đề nghị chính quyền giải quyết là nhiều nhất chiếm tỷ lệ 69%; nhờ đến tổ chức Hội Nông dân đạt 58%; tự thương lượng, giải quyết với nhau đạt 56%; nhờ đến tổ hòa giải đạt 57%; nhờ đến người thứ ba là thấp nhất đạt 36%. Kết quả khảo sát cơ bản phản ánh đúng thực trạng chấp hành pháp luật và nhận thức pháp luật của hội viên, nông dân tại địa phương. Nhu cầu tìm hiểu pháp luật là rất chính đáng và những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật được người dân lựa chọn là những hình thức thiết thực, giúp nông dân dễ tiếp thu, dễ nhớ, tạo nên hiệu quả tuyên truyền cao.
Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân tại các cơ sở điểm, Ban chỉ đạo 26 đã thành lập các câu lạc bộ nông dân với pháp luật. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ và mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật tại các thôn, ấp, bản, làng được xây dựng rộng khắp là lực lượng nòng cốt đưa pháp luật đến được với người dân. Câu lạc bộ hoạt động theo quy chế cụ thể, rõ ràng, tuyên truyền những chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của nông dân, đáp ứng đúng nhu cầu của nông dân qua những hình thức tuyên truyền phong phú, thiết thực: sinh hoạt câu lạc bộ trao đổi những vướng mắc pháp luật, tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật đã thu hút đông đảo nông dân tham gia.
Việc mở rộng xây dựng điểm thực hiện Chỉ thị 26 tại Nam Định đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành PL của cán bộ, hội viên, nông dân; khiếu kiện sai, khiếu kiện đông người, vượt cấp đã giảm đi rõ rệt, từ đó tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội địa phương được ổn định.
Minh Hòa