Là xã biên giới, vùng thấp của huyện Bát Xát (Lào Cai), Quang Kim là nơi hội tụ 3 dân tộc anh em chung sống; hệ thống trường, trạm, đường giao thông, liên lạc được đầu tư xây dựng đồng bộ, đường ô tô đến trung tâm làng bản; đời sống của nhân dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự xã hội và biên giới lãnh thổ được giữ vững.
Tuy nhiên trong quá trình đô thị hoá, diện tích đất của nhân dân được thu hồi làm các công trình phúc lợi và nhà máy xí nghiệp; hệ thống cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành còn có những điểm chưa phù hợp với thực tế, thường xuyên thay đổi, nhất là trong lĩnh vực đất đất đai, do vậy đã nảy sinh những mâu thuẫn trong nội bộ dân cư. Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân đã tham mưu với Đảng uỷ, UBND xã xây dựng mô hình điểm trong việc tham gia hoà giải, giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân. Sau một năm thực hiện, kết quả mà Hội Nông dân xã Quang Kim đạt được là:
Khảo sát đánh giá tình hình kinh tế- xã hội, hoạt động công tác Hội, trình độ hiểu biết pháp luật, những mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân, tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp thực hiện.
Thành lập Ban chỉ đạo 26, xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, Quy chế phối hợp giữa Hội Nông dân và UBND xã trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở, thành lập CLB nông dân với pháp luật có 52 thành viên tham gia, CLB duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần; CLB xây dựng quy chế hoạt động và tủ sách pháp luật để mọi người tham khảo. Thông qua đó các thành viên trao đổi kiến thức pháp luật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, phương pháp giải quyết các vụ việc khiếu kiện và hoà giải trong nông thôn, xây dựng quy ước, hương ước thôn, bản.
Phối hợp với UBND xã tổ chức 7 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 350 cán bộ, hội viên, nông dân các kiến thức kỹ năng tiếp dân, tiếp nhận đơn thư giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó tuyên truyền và vận động người thân trong gia đình, thôn bản sống và làm việc theo pháp luật, góp phần xây dựng gia đình nông dân văn hoá, thôn, bản văn hoá.
Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân, Ban Chỉ đạo 26 đã thành lập 9 đội thi “Tìm hiểu luật khiếu nại, tố cáo và công tác hoà giải ở cơ sở” tham gia thi đấu, tổ chức 95 buổi tuyên truyền cho 3.500 lượt hội viên nông dân với nhiều hình thức phổ biến như qua sinh hoạt chi Hội, sinh hoạt CLB nông dân với pháp luật, phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật… Bên cạnh đó Hội Nông dân xã và các chi Hội đã phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 75 người.
Nhờ được tập huấn kiến thức pháp luật mà cán bộ Hội đã tham gia hoà giải được nhiều mâu thuẫn, xích mích trong quan hệ gia đình, làng xóm, tranh chấp đất đai. Ban Chỉ đạo 26 đã xây dựng quy chế, trong đó nêu cụ thể: mỗi mâu thuẫn trong nội bộ nông dân phải được giải quyết từ chi Hội, do vậy đã hạn chế được nhiều đơn thư, tránh phát sinh thành khiếu kiện vượt cấp, nâng cao vai trò, vị trí của Hội.
Hội Nông dân phối hợp với các ngành chức năng và UBND tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo định kỳ vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, trực tiếp đối thoại giải đáp những vấn đề vướng mắc, khiếu nại của nông dân, đồng thời phân công thành viên trong Ban Chỉ đạo 26 giúp đỡ các thôn, bản. Năm qua, Hội đã tiếp nhận và giải quyết thành công 4 đơn thư về tranh chấp đất đai; các vụ việc được giải quyết có lý, có tình, đúng thời gian quy định.
Sau một năm xây dựng mô hình điểm, mối quan hệ giữa Hội với chính quyền và các ngành chức năng của xã Quang Kim được tăng cường, phối hợp chặt chẽ, kịp thời đưa pháp luật đi vào cuộc sống, tạo cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Công tác Hội và phong trào nông dân ngày càng phát triển, các hoạt động của Hội ngày càng đa dạng, phong phú, thiết thực; trình độ cán bộ và uy tín của tổ chức Hội được nâng cao; hội viên, nông dân ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội.
Thu Hà