Hội ND Kon Tum tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo
10:20 - 22/02/2010
Xác định vấn đề khiếu nại, tố cáo của nông dân xuất phát do trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, thông tin pháp luật đến với nông dân chưa đầy đủ và kịp thời, từ đó ngộ nhận, cả tin dễ bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Từ năm 2001 đến nay, các cấp hội đều coi trọng việc phổ biến học tập chính sách pháp luật gắn với việc hướng dẫn, giải thích, trợ giúp pháp lý cho nông dân, giúp nông dân tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tự bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội Nông dân Kon Tum trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp Hội đã áp dụng nhiều hình thức phổ biến pháp luật cho hội viên, nông dân đa dạng, thiết thực như: gắn với các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; sinh hoạt câu lạc bộ nông dân với pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua các buổi hoà giải, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đất đai, hôn nhân gia đình, an toàn giao thông, bảo vệ và phát triển rừng… Các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 14.364 buổi tuyên truyền pháp luật cho 718.200 lượt người tham dự; trong đó có 8.475 buổi được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho 423.738 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham dự.

Đặc biệt những năm qua, Hội Nông dân đã phổ biến pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá ở các cơ sở Hội với nội dung phong phú được đông đảo nông dân tham gia hưởng ứng, nội dung các cuộc thi phần lớn do nông dân tự biên, tự diễn trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu pháp luật ở cơ sở như ở HND xã Đăk Pet (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei), xã Bờ Y (Ngọc Hồi), xã Tân Cảnh (Đăk Tô).

Bên cạnh đó, công tác tư vấn pháp luật được đẩy mạnh, Hội Nông dân tỉnh Kon Tum phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật- Sở Tư pháp thực hiện 2.019 cuộc tư vấn cho 11.582 lượt nông dân về pháp luật. Hội Nông dân các xã, thị trấn thành lập CLB nông dân với pháp luật. Tỉnh Hội thành lập 5 CLB điểm ở chi hội Đăk Rú (xã Đăk Pét), chi Hội Đăk Ra (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei), xã Bờ Y (Ngọc Hồi), xã Tân Cảnh (Đăk Tô), xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy). Từ 5 CLB này, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã nhân diện xây dựng được 24 CLB nông dân với pháp luật, trong đó huyện Đăk Glei xây dựng 3 CLB nông dân với pháp luật tại chi hội Đăk Chung, chi hội Đăk Poi (thị trấn Đăk Glei), chi hội Măng Long (xã Đăk Môn).   

Công tác trợ giúp pháp lý được đặc biệt chú trọng, Hội Nông dân các huyện, thành phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã có nhiều khó khăn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã từng bước giúp hội viên nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, góp phần hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp ở địa phương. Trong những năm qua, đã thành lập 319 tổ trợ giúp pháp lý, phối hợp trợ giúp pháp lý cho 1.256 đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số… Phần lớn các đối tượng trên đều ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận tìm hiểu pháp luật, qua đó giải toả được nhận thức sai lệch, vướng mắc về pháp lý, hội viên nông dân rất phấn khởi và hoan nghênh.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 26, Hội Nông dân các cấp luôn lấy công tác hoà giải tại cơ sở làm nhiệm vụ trọng tâm, phát huy thế mạnh của tổ chức Hội, với ưu thế vừa gần gũi, vừa sâu sát, vừa có uy tín với nông dân, Hội Nông dân cơ sở kịp thời phát hiện những mâu thuẫn phát sinh, nắm chắc tâm lý các bên tranh chấp để có hình thức hoà giải phù hợp. Đồng thời kiên trì thuyết phục, vận động thông qua nhiều hình thức hoà giải linh hoạt, tập trung ở các tổ, chi hội, kịp thời giải quyết mâu thuẫn tại thôn, làng, khu phố. Các cấp Hội đã tiếp nhận 2.077 đơn thư khiếu kiện, Hội chủ động phối hợp với chính quyền, Mặt trận đoàn thể cùng cấp hoà giải thành 1.321 đơn thư, 84 đơn chuyển ngành chức năng.

Trong 9 năm qua, các cấp Hội đã tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Một số vụ việc phức tạp, kéo dài các cấp Hội đã phối hợp cùng cơ quan chức năng xem xét làm rõ nguyên nhân, giải quyết có lý, có tình, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nông dân, đảm bảo lợi ích chung của xã hội và tính công bằng, bình đẳng, nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, Hội Nông dân còn cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, giám sát việc triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật nhất là các chương trình phát triển kinh tế- xã hội ở các xã…   

Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành có sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Thường trực tỉnh uỷ, của UBND tỉnh nên hoạt động của Hội Nông dân từ năm 2001 đến nay ngày càng được nâng cao, có hiệu quả; việc phối hợp hoà giải, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân kịp thời, từ đó góp phần làm giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để điểm nóng phát sinh, kịp thời hoà giải ngay ở các chi, tổ Hội, từ đó hội viên nông dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên nông dân, góp phần ổn định tình hình trật tự, an ninh nông thôn, ra sức xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển.

 

                                                  Hà Phương

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp