Chỉ thị 26 là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội Nông dân Bến Tre tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, đáp ứng yêu cầu bức xúc của nông dân trong việc giải quyết tranh chấp trên địa bàn tỉnh.
Những năm từ 1998 đến 2001, tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh đã diễn ra rất phức tạp, chủ yếu là đòi lại đất sau khi các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp giải thể. Do chính quyền các cấp còn lúng túng, chưa quán triệt các nguyên tắc trong quá trình giải quyết, nên tranh chấp, khiếu kiện ngày càng tăng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương chỉ đạo giải quyết nhằm hạn chế khiếu nại tố cáo của người dân. Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ ra đời được BCH Hội Nông dân tỉnh tiếp nhận kịp thời, đáp ứng được yêu cầu giải quyết vướng mắc của nông dân. Hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, đồng thời xây dựng chương trình phối hợp với các ngành liên quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Hội ND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia các tổ hoà giải nhằm giải quyết tranh chấp từ cơ sở không tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp; không để bọn xấu kích động, xúi giục dẫn đến vi phạm pháp luật. Cán bộ Hội là lực lượng nòng cốt trực tiếp giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện. Lên danh sách từng vụ việc cụ thể; tìm giải pháp giải quyết thoả đáng đáp ứng lợi ích, nguyện vọng của từng người dân và phù hợp với pháp luật của Nhà nước, đề xuất với chính quyền ra quyết định công nhận những vụ hoà giải thành, tham mưu xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, những đối tượng xúi giục, kích động; bên cạnh đó Hội còn giáo dục thuyết phục các đối tượng khiếu kiện nên đã hạn chế được nhiều vụ việc.
Ngoài ra, Hội ND các cấp cũng đã chú trọng vận động, tổ chức nông dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và gắn việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện với việc vận động nông dân xây dựng đời sống văn hoá, tích cực tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở nông thôn. Coi đây là một trong những việc làm nhằm xây dựng môi trường sống lành mạnh, hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.
Sau nhiều năm thực hiện Chỉ thị 26, các cấp Hội ND Bến Tre đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, Chỉ thị 26 ra đời kịp thời, phù hợp với thực tế khách quan ở cơ sở, không những đưa ra chủ trương, biện pháp chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện mà còn tạo được hành lang pháp lý cho Hội ND các cấp phát huy vai trò của mình trong việc tham mưu đề xuất cấp uỷ Đảng, chính quyền và trực tiếp giải quyết những tranh chấp mâu thuẫn của nông dân. Chủ trương trên được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Có thể coi đó là điều kiện tiên quyết để giải quyết khiếu kiện, tố cáo của người dân trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bến Tre,
Hai là, sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền là yếu tố quan trọng bảo đảm sự đoàn kết, nhất trí trong hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng và tập trung được lực lượng để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của nông dân có hiệu lực, hiệu quả.
Ba là, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân phải phát huy cao dân chủ cơ sở, phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; quan tâm sâu sắc đến tâm tư, nguyện vọng của người khiếu kiện, trực tiếp đối thoại với họ để cùng bàn bạc biện pháp tháo gỡ, quyết định giải quyết đảm bảo lợi ích của người dân và tính nghiêm minh của pháp luật.
Bốn là, các cấp Hội ND có vai trò quan trọng trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân đi khiếu kiện, những giải thích của cán bộ Hội được quần chúng lắng nghe và thống nhất, uy tín ngày càng nâng cao, tạo được lòng tin của người dân trong việc giải quyết công bằng hợp lý cho họ từ đó hạn chế được sự phức tạp ở từng địa phương.
Năm là, chọn cán bộ Hội có uy tín với nông dân tham gia làm nòng cốt trong các tổ hoà giải.
Sáu là, trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của người dân phải lấy thuyết phục, giáo dục, động viên là chính đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, những đối tượng quá khích, đứng sau lưng kích động, xúi giục.
Bảy là, việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại phải được gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, gắn với công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đồng thời gắn với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở các khu dân cư.
Thực tế đã chứng minh nơi nào chính quyền tạo điều kiện để Hội ND tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân theo tinh thần Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ thì nơi đó thực hiện đạt mục tiêu an dân gắn với an ninh nông thôn trong tình hình mới.
Quang Huy