Thực hiện Chỉ thị số 26 và công văn số 1502 của Thủ tướng Chính phủ "về việc tăng cường phối hợp với Hội Nông dân các cấp để giải quyết khiếu nại tố cáo", Hội Nông dân Khánh Hòa đã tham mưu cho UBND củng cố, kiện toàn và thành lập Ban chỉ đạo 26 từ tỉnh đến cơ sở.
Đến nay, 8 huyện, thị xã, thành phố và 34 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội đã đều thành lập được Ban chỉ đạo 26, nâng tổng số BCĐ toàn tỉnh lên tới 46, các BCĐ 26 đều do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban. Ban chỉ đạo 26 các cấp đã triển khai xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ từng thành viên, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể trong năm.
Cấp Hội Nông dân Khánh Hòa đã phối hợp với Trường chính trị, Công An và Thanh tra tỉnh mở lớp tập huấn nghiệp vụ cán bộ Hội, bồi dưỡng kiến thức về chính trị, pháp luật cho 132 cán bộ cấp cơ sở và cấp huyện. 9 tháng đầu năm 2009, có trên 7.500 lượt cán bộ, hội viên, nông dân và cộng tác viên được tập huấn phổ biến pháp luật và kỹ năng công tác hòa giải. Căn cứ vào nội dung, kế hoạch xây dựng điểm, được hướng dẫn, chỉ đạo của Hội cấp trên, đến nay các xã điểm cơ bản đã hoàn thành nội dung xây dựng điểm như việc tập huấn, phổ biến pháp luật, ra mắt Câu lạc bộ nông dân với PL và xây dựng tủ sách pháp luật.
9 tháng đầu năm 2009, Phòng tiếp dân các cơ quan chức năng và Hội Nông dân cùng cấp tại Khánh Hòa đã nhận được 1.396 đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của hội viên, nông dân trong toàn tỉnh, trong đó Hội Nông dân các cấp trực tiếp nhận được 310 đơn thư trong đó (tỉnh 12 đơn, huyện 9 đơn và cơ sở 289 đơn thư). Qua nghiên cứu, phân loại nội dung đơn thư tập trung vào một số lĩnh vực như: chính sách bồi thường giải tỏa tái định cư chiếm 60,2%, khiếu nại về đất đai, nhà ở chiếm 27,5%, còn lại các đơn khiếu nại, kiến nghị về chế độ chính sách và một số nội dung khác liên quan đến đời sống người dân.
Đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 26 và công văn 1502 các cấp Hội ND Khánh Hòa đã thông qua các đợt sinh hoạt chuyên đề pháp luật ở cơ sở, qua tư vấn pháp luật của các tổ hòa giải và việc Hội tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân đã góp phần tăng vị thế của Hội ở cơ sở. Đồng thời, qua đó nâng dần sự hiểu biết về pháp luật, để nội bộ nông dân tự giải quyết được những mâu thuẫn giúp tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt. Công tác hòa giải do các cấp Hội trong tỉnh thực hiện đã tạo ra sự chuyển biến cả chiều rộng đến chiều sâu; dân chủ cơ sở từng bước được phát huy; an ninh trật tự ở địa phương ổn định, góp phần tích cực vào thắng lợi trong việc xây dựng kinh tế xã hội ở nông thôn.
Nguyễn Duy Đức