Kết hợp dân vận trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
09:23 - 02/10/2009
Công tác dân vận của các cấp uỷ đảng chính quyền, lực lượng vũ trang, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hoạt động của hệ thống dân vận các cấp đã có sự đổi mới; việc tham mưu cho cấp uỷ, triển khai nhiệm vụ về dân vận luôn sâu sát với tình hình thực tế, với những nội dung phong phú đa dạng để nắm bắt kịp thời những vấn đề nảy sinh từ cơ sở.

Thông qua cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, công tác dân vận chính quyền đã cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng thành chương trình làm việc, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; tăng cường đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi mặt đời sống xã hội... Qua công tác hoà giải, hoà giải thành, hầu hết các bên đều tự giác thực hiện theo kết quả hoà giải đã tự nguyện thoả thuận, không có trường hợp nào hoà giải viên phải đi vận động thuyết phục để thực hiện. Cũng qua hoà giải các mâu thuẫn xích mích giữa các thành viên trong gia đình, giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng và các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ hợp đồng dân sự và nghĩa vụ dân sự đã được giải quyết, chấm dứt, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương, xây dựng gia đình văn hoá, ấp văn hoá.

 

Tuy nhiên, thực tế nước ta hiện nay vẫn chưa xây dựng được đầy đủ cơ chế, chính sách đồng bộ  nhằm giải quyết kịp thời và phù hợp những vấn đề bức xúc làm phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

 

Trong vai trò là người lãnh đạo – quản lý xã hội, một số cán bộ đảng viên, một số cấp uỷ còn xem nhẹ, buông lỏng, chưa thực hiện đúng tư tưởng, quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, xem nhẹ việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, quan liêu, xa dân, thích dùng mệnh lệnh hành chính, coi nhẹ giáo dục, thuyết phục. Nhiều nơi còn để xảy ra nhiều vụ vi phạm trong quản lý nhà nước về đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, trong sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, tư lợi, tham nhũng, vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, phám luật của Nhà nước, khiến dân bất bình.

 

Ở những địa phương có khiếu kiện đông người, nguyên nhân chủ yếu thường xuất phát từ sự mất đoàn kết nội bộ, sức chiến đấu của tổ chức đảng bị giảm sút, vai trò điều hành, quản lý của chính quyền yếu kém, vai trò của Mặt trận Tổ  quốc và các đoàn thể chưa được phát huy. Quy trình giải quyết hoà giải của địa phương chưa chặt chẽ, số vụ hoà giải không thành chuyển toà án nhân dân còn cao; thời gian tổ chức hoà giải còn kéo dài, các thành viên trong ban hoà giải và tổ hoà giải chưa thường xuyên tham gia công tác này nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả công tác; kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hoà giải còn hạn chế, hoà giải viên không được hưởng chế độ, hoạt động của tổ hoà giải chủ yếu dựa vào sự nhiệt tình của các thành viên gây khó khăn cho việc hoà giải...

 

Việc nắm bắt tình hình nhân dân và dự báo những vấn đề nảy sinh từ cơ sở còn hạn chế; sự phối hợp của các cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ dân vận chưa thường xuyên, dẫn đến hiệu quả chưa cao; chế độ thông tin báo cáo về công tác dân vận của các địa phương đơn vị chưa kịp thời... Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ những người khiếu nại, tố cáo hiểu biết pháp luật còn hạn chế; một số công dân do tâm lý thắng thua hoặc cố chấp nên cố tình khiếu nại hoặc khiếu nại cầu may. Nhiều công dân chưa nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bị phần tử xấu lợi dụng, kích động nên đã có những đòi hỏi vô lý, cố tình khiếu kiện kéo dài và không tuân thủ những quy định của pháp luật.

 

Trong giải quyết khiếu nại chưa chú trọng việc phối hợp với các đoàn thể nhân dân làm công tác hoà giải ở cơ sở đối với các tranh chấp trong nội bộ nhân dân. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, chính quyền nhiều nơi chưa tập trung giải quyết, còn né tránh, đùn đẩy. Nhiều trường hợp giải quyết không đúng chính sách, pháp luật. Có nơi cán bộ cửa quyền, coi thường, làm ngơ trước việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, làm cho quan hệ giữa cán bộ và người khiếu kiện căng thẳng, gây mất lòng tin  của dân.

 

Từ thực tế trên, xin được đưa ra một số giải pháp góp phần giải quyết rốt ráo vấn đề:

 

Một là, phải thực sự quán triệt tư tưởng, quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Tức là phải gần dân, tin dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân và học dân; chăm lo và bảo vệ lợi ích của dân. Dựa vào lực lượng và trí tuệ của dân để giải quyết những vấn đề bức xúc, những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

 

Hai là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Công khai, dân chủ là cách thực hiện công tác dân vận có hiệu quả trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

Ba là, kết hợp và thực hiện nhuần nhuyễn những biện pháp: vận động, thuyết phục, đối thoại trực tiếp và tại chỗ; phát huy vai trò và tác dụng của tổ hoà giải, ban thanh tra nhân dân; thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cộng đồng dân cư, từ cơ sở trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

 

Bốn là, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của tổ chức đảng, sự tổ chức thực hiện của chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu và sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

 

Năm là, tổng hợp những kiến nghị từ cấp dưới và của nhân dân để đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, tố cáo bảo đảm phù hợp với sự vận động thực tiễn cách mạng nước ta.

 

Sáu là, làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ về công tác dân vận, huy động và phối hợp với các cơ quan, các tổ chức, các lực lượng cùng chăm lo làm tốt công tác dân vận, củng cố quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; chăm lo kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân vận đáp ứng yêu cầu mới; quan tâm hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố để hoạt động của tổ được thiết thực, hiệu quả...

 

Bảy là, tăng cường công tác quản lý hành chính nhà nước về mọi mặt để hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo trong nhân dân; chủ tịch UBND các cấp phải trực tiếp chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, những nơi có khiếu kiện phức tạp phải phân tích, đánh giá đúng tình hình để tập trung giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, lãnh đạo chủ chốt cần thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp dân, trực tiếp đối thoại với dân, tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp. Làm được như vậy sẽ góp phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước.

 

Tám là, phải gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, với cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở./

 

Đỗ Hữu Thuỳ Dương

                                                                                                     Thanh tra tỉnh Long An
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp