Quảng Ninh với công tác trợ giúp pháp lý lưu động cho hội viên, nông dân
09:23 - 02/10/2009
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý lưu động cho hội viên, nông dân, trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh luôn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý lưu động và chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với ngành Tư pháp, chính quyền, đoàn thể cùng cấp tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho nông dân trên địa bàn

Vì điều kiện địa hình và kinh tế nên khả năng tiếp cận với các dịch vụ pháp lý của nông dân tại Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn, do đó  nhận thức pháp luật của nông dân so với các tầng lớp khác trong xã hội còn hạn chế. Qua điều tra khảo sát mức độ nhận thức pháp luật của nông dân cho thấy: 35% nông dân có hiểu biết về các lĩnh vực pháp luật có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó hiểu biết về Luật dân sự 36%; Luật đất đai 59%; Luật hôn nhân gia đình 50%, Luật hình sự và tố tụng hình sự 25%; Luật khiếu nại tố cáo 31%. Những nội dung pháp luật trên đến với nông dân chủ yếu qua các hình thức: sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi tổ Hội, thi pháp luật, nói chuyện pháp luật, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Khi có vướng mắc pháp luật hoặc tranh chấp, nông dân thường tự tìm cách giải quyết hoặc nhờ đến chính quyền, đoàn thể can thiệp. Hiện nay trên 80% số hộ nông dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, do đó trợ giúp pháp lý lưu động là một hoạt động rất cần thiết và quan trọng nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, nông dân.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý lưu động cho hội viên, nông dân, trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh luôn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý lưu động và chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với ngành Tư pháp, chính quyền, đoàn thể cùng cấp tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho nông dân trên địa bàn, hàng năm tổ chức từ 12- 14 đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho 60 - 70 xã, phường, thị trấn và hàng ngàn cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; phát miễn phí trên 17.000 tờ gấp pháp luật có liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân. Các chuyên viên, cộng tác viên đã tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về một số lĩnh vực pháp luật như: Đất đai, Dân sự, Khiếu nại tố cáo, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch…Đoàn tiếp nhận đơn đề nghị trợ giúp pháp lý và trực tiếp giải đáp, tư vấn pháp luật các vụ việc vướng mắc về pháp luật cho hội viên nông dân, thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn hội viên, nông dân xử sự theo quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

Từ thực tế công tác trợ giúp pháp lý lưu động tại Quảng Ninh trong thời gian qua cho thấy: trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở là hình thức hoạt động có hiệu quả được nông dân đồng tình, ủng hộ; các cấp, các ngành đánh giá cao. Hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đã đến những địa điểm xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo… tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng không có khả năng về kinh tế, phương tiện đi lại được tiếp cận với được với hoạt động trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật; giảm được thời gian, chi phí đi lại cho người dân, đồng thời góp phần thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, người dân được cung cấp những thông tin pháp luật, được giải đáp thắc mắc, hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ công dân. Đoàn trợ giúp pháp lý phối hợp với chính quyền cơ sở giải toả những vụ việc vướng mắc pháp luật, giải quyết những bất cập giữa chính quyền với người dân trong đời sống hàng ngày tại địa phương, góp phần giảm bớt những đơn thư khiếu kiện trái pháp luật, khiếu kiện vượt cấp. Đồng thời, qua trợ giúp pháp lý lưu động cũng nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc, thực trạng chấp hành và thi hành pháp luật, mức độ nhận thức pháp luật và nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân địa phương để kịp thời phản ánh với các cơ quan chức năng, với chính quyền các cấp có biện pháp khắc phục. Ở các địa phương đã được trợ giúp pháp lý, nhận thức pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt, những mâu thuẫn phát sinh thường được giải quyết ngay tại cơ sở, tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp giảm đáng kể, mối quan hệ cộng đồng, làng xóm ngày càng trở nên gắn bó, không có “điểm nóng” ở địa bàn nông thôn.

Để hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động cho hội viên, nông dân ngày càng có chiều sâu, hiệu quả, đòi hỏi các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh thường xuyên đi sâu, đi sát, nắm chắc thực trạng nhận thức pháp luật và nhu cầu hiểu biết pháp luật, nhu cầu được trợ giúp pháp lý của nông dân ở từng địa phương trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý lưu động cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành tư pháp và Hội nông dân cùng cấp, với chính quyền, các ban ngành đoàn thể cơ sở và nông dân trong tổ chức triển khai thực hiện. Có như vậy, công tác trợ giúp pháp lý mới thực sự đến được với hội viên, nông dân, giúp họ từng bước có thể tự giải quyết được những mâu thuẫn, tranh chấp; tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương.

 

Vân Anh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp