Hội ND Hải Dương: Đa dạng hoá công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
09:36 - 12/09/2009
Ngay sau khi có Chỉ thị 26, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh cùng với ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên Môi trường tiến hành ký kết chương trình phối hợp, xác định rõ trách nhiệm của từng ngành trong việc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với ngành Tư pháp, MTTQ, các đoàn thể tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân với nhiều nội dung liên quan đến sản xuất và đời sống đang gây nhiều bức xúc, vướng mắc trong nông dân như: Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình... bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng như: Hội thi Nhà nông đua tài, thi cán bộ chi hội giỏi, Hội thi “nông dân tìm hiểu pháp luật”, dưới hình thức sân khấu hoá, giao lưu tìm hiểu pháp luật giữa các câu lạc bộ, tham gia các cuộc thi viết am hiểu về Luật Đất đai, Pháp lệnh Dân số, Luật Phòng chống tham nhũng... 100% cơ sở hội trong tỉnh có sổ tay “Phổ biến pháp luật cho nông dân”. Bản tin Hội Nông dân tỉnh với chuyên mục “Tìm hiểu chính sách pháp luật” được phát hành định kỳ mỗi năm 12.000 cuốn tới 100% chi hội và cơ sở hội trong toàn tỉnh.

Thời gian qua, trung bình mỗi năm các cấp, các ngành, các đơn vị địa phương trong tỉnh đã tiếp từ 4000-5000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo tại trụ sở tiếp công dân của các cấp, các ngành; tiếp nhận 2500 – 3500 đơn khiếu nại, tố cáo và kiến nghị và đã giải quyết được trên 90% số đơn. Nội dung đơn khiếu nại, tố cáo tập trung vào một số lĩnh vực như đất đai, kinh tế, chế độ chính sách.

Trước tình hình trên, nhằm làm tốt công tác thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương ra Chỉ thị số 11 yêu cầu các cấp chính quyền chủ động phối hợp tạo điều kiện cho Hội Nông dân tham gia giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nông dân tại cơ sở. Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân cùng lãnh đạo UBND các cấp tham gia tiếp dân tại trụ sở tiếp dân hàng tháng; các đơn khiếu nại, tố cáo có liên quan đến nông dân thì cán bộ Hội đều được mời nghiên cứu, xem xét cùng tham gia giải quyết.

 Ở một số cơ sở có tình hình phức tạp, cán bộ Hội Nông dân đều được cử tham gia vào các đoàn công tác của tỉnh, huyện trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình. Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên môi trường trong việc phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo cho nông dân nhằm hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.



Ngoài giờ sản xuất, nam nông dân Hải Dương còn tham gia vào CLB "Nông dân với Pháp luật"
 
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương chủ động cùng các ngành biên soạn 5 bài giảng với nội dung chủ yếu là kiến thức và một số nghiệp vụ cơ bản giúp cho cán bộ Hội tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các huyện phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện đã mở 41 lớp về công tác hoà giải và trình tự các bước tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cho 2.916 cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở, mở 29 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 2.006 đồng chí trong Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 và Chỉ thị 11 của các huyện, thành phố và cơ sở.

Xác định trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm các cấp Hội trên toàn tỉnh đã tích cực phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý cho trên 200 cơ sở với hàng chục ngàn lượt người tham gia, trong đó có nhiều cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở có tình hình phức tạp… Đặc biệt, năm 2007 căn cứ vào yêu cầu trợ giúp, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh đã tập trung trợ giúp pháp lý lưu động cho 10 cơ sở mở rộng điểm.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, phối hợp trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân của các cấp Hội trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức của nông dân về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, hạn chế đáng kể những thắc mắc khiếu nại của nông dân, ổn định tình hình nông thôn.

Xác định khiếu kiện của nông dân chủ yếu tập trung vào những vấn đề liên quan đến việc đền bù thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và các ngành trong việc tuyên truyền, thuyết phục, giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân. Việc tham gia và trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân được các cấp Hội thực hiện đạt kết quả.

Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp phối hợp cùng chính quyền, các ngành chức năng giải quyết 3.865 đơn khiếu nại, tố cáo của nông dân về các vấn đề: tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng... Tiêu biểu như Hội Nông dân xã Gia Xuyên (Gia Lộc) phối hợp với chính quyền, địa chính xã giải quyết đơn kiến nghị của 12 hộ dân không đóng tình với việc phân chia ruộng của Ban Chỉ đạo dồn ô đổi thửa) của xã. Sau khi xem xét cụ thể, thấy việc phân chia của Ban Chỉ đạo như vậy là đúng, tổ hoà giải, Ban Chấp hành Hội Nông dân cơ sở tổ chức họp với 12 hộ dân, tuyên truyền, giải thích, 12 hộ đần đã tự nguyện rút đơn, chấp hành Nghị quyết của xã và của Ban Chỉ đạo…

Đặc biệt từ năm 2006 đến nay, 11 cơ sở làm điểm thực hiện Chỉ thị 26 đã công khai lịch tiếp dân tại Trụ sở Hội, trực tiếp tiếp nhận và giải quyết 151 đơn của cán bộ, hội viên về những vấn đề liên quan đến quản lý tài chính của Hội, đề nghị về đền bù thu hồi đất nông nghiệp... Chính vì vậy, tình hình chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương luôn được giữ vững.

Mai Ly

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp