Hội Nông dân Hà Nam cùng chính quyền thực hiện QCDC cơ sở
14:15 - 08/08/2009
Sau khi Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị được ban hành, Tỉnh uỷ Hà Nam đã có Chỉ thị 03 ngày 16/10/1998 và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) với 25 thành viên, đồng chí Chủ tịch HND tỉnh tham gia Ban Chỉ đạo. Đồng thời, chọn xã Lê Hồ (Kim Bảng), phường Lương Khánh Thiện (thành phố Phủ Lý) và huyện Duy Tiên làm điểm về tổ chức triển khai và thực hiện để từ đó nhân ra diện rộng.

Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch 55 ngày 10/11/1998 để triển khai học tập Chỉ thị 30 và Chỉ thị 03 đến cán bộ huyện, thị. Tiếp đó, Hội Nông dân huyện, thị xây dựng kế hoạch triển khai đến cán bộ, hội viên, nông dân nhằm thực hiện QCDC kịp thời, hiệu quả. 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hà Nam đã xây dựng và thực hiện QCDC đạt kết quả trên một số mặt sau:

Thứ nhất, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân. Các cấp Hội tham gia ngay từ đầu vào các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời cũng trực tiếp giám sát việc tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, thông qua đó cán bộ Hội hiểu để tuyên truyền vận động hội viên, nông dân thực hiện. Đối với các cấp, các ngành nhận thức rõ về trách nhiệm, quy định trong thực hiện QCDC nên đã làm đúng các quy định về công khai, dân chủ, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tạo được lòng tin của hội viên, nông dân với cán bộ, với chính quyền, từ đó mà hội viên, nông dân tích cực làm theo.    

Thứ hai, thực hiện QCDC đã tạo sự phát triển kinh tế xã hội, Hội Nông dân các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo vận động hội viên, nông dân thực hiện dân chủ trong phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Hội viên, nông dân phát huy sức sáng tạo, sức lao động, tích cực, chủ động tham gia vào các thành phần kinh tế ở địa phương, xây dựng các loại mô hình, ngành nghề để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Đến 2008, cơ cấu kinh tế chuyển biến cơ bản là: nông nghiệp 25,5%, công nghiệp- xây dựng 44,08%, dịch vụ 34,42%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%, thu nhập bình quân đầu người: 10.130.000đ. Hội viên, nông dân đóng góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng địa phương và đất nước.

Thứ ba, nông dân phát huy dân chủ trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, các công trình nước sạch, nhà văn hoá thôn, xóm, kênh mương bê tông… 10 năm qua, nhân dân đã đóng góp được 400 tỷ đồng và 3,5 triệu ngày công lao động cho các công trình.

Thứ tư, gắn thực hiện QCDC với thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh thành lập BCĐ 26 của tỉnh, giao Thanh tra tỉnh là cơ quan thường trực, Hội ND trực tiếp là phó BCĐ. Trong các năm qua, thực hiện QCDC và Chỉ thị 26, cấp uỷ, chính quyền và Hội ND từ tỉnh đến cơ sở phối hợp chặt chẽ nhằm hạn chế đơn thư, rà soát các vụ việc tồn đọng, vụ việc phức tạp để phân công các cơ quan chức năng và các cấp Hội để giải quyết, tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và chấp hành quyết định giải quyết của chính quyền. Xây dựng 1.225 tổ hoà giải, 72 CLB nông dân với pháp luật vì vậy vụ việc khiếu nại được các tổ hoà giải, CLB phối hợp giải quyết nên hạn chế việc khiếu nại vượt cấp, đông người, năm sau giảm hơn năm trước. 10 năm qua đã tham gia cùng chính quyền, đoàn thể hoà giải thành 17.135 vụ  việc, giải quyết 1.536 đơn; tổ chức 741 buổi tuyên truyền pháp luật đến 119.743 lượt hội viên, nông dân, tổ chức 178 buổi trợ giúp pháp lý cho 5.346 người.   

Thứ năm, thực hiện tốt QCDC đã làm mối quan hệ giữa Hội Nông dân với cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể luôn được duy trì. Vị trí, vai trò của Hội trong hệ thống chính trị, xã hội ở địa phương, cơ sở được nâng lên, là nòng cốt của phong trào xây dựng nông thôn mới, là tổ chức chính trị- xã hội đại diện của giai cấp nông dân. 

                                                                                 Quang Hà

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp