Từ khi Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ra đời, đến nay sau 10 năm triển khai và thực hiện, các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã quán triệt học tập cho hội viên, nông dân ở 200/206 cơ sở có tổ chức Hội và 3.121 chi hội. Hội đã phối hợp vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước ở 100% xã, phường, thị trấn.
Nhận thức được tầm quan trọng của Chỉ thị 30, Nghị định 29, Nghị định 79, Pháp lệnh 34 của Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến hội viên, nông dân, qua đó nâng cao hiểu biết về quyền làm chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra của hội viên, nông dân. Quy chế dân chủ được cán bộ, hội viên, nông dân đồng tình ủng hộ, ở những nơi thực hiện tốt trở thành sinh hoạt chính trị sôi động của nông dân, Quy chế dân chủ đã từng bước thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm của hội viên, nông dân tạo ra không khí cởi mở, đoàn kết, gắn bó hơn. Những nơi thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những nội dung của Quy chế thì sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, là giải pháp khắc phục bệnh quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đồng thời là một giải pháp tích cực khắc phục những điểm nóng, khiếu kiện kéo dài gay gắt của nông dân, củng cố niềm tin của nông dân với Đảng, nhà nước.
Trong những năm qua các cấp Hội đã chủ động, vận dụng nội dung QCDC vào công tác vận động nông dân phát triển kinh tế- xã hội. Việc công khai các nội dung, chương trình, dự án, dân chủ bình đẳng, mọi người tham gia, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung dự án đã tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng trong nông dân. Nông dân có điều kiện phát huy cao độ trí tuệ, tích cực sáng tạo, chủ động phát triển kinh tế- xã hội theo hướng sản xuất hàng hoá, nông dân đã mạnh dạn vay vốn vào đầu tư sản xuất. 10 năm qua, có trên 41.000 lượt hộ nông dân vay với số tiền trên 550 tỷ đồng, tổ chức cung ứng trên 1.000 tấn ngô giống, 40.000 tấn phân bón, 25 triệu con cá giống, 60 tấn thức ăn chăn nuôi, 6.000 con lợn, gà giống, trị giá trên 100 tỷ đồng theo phương thức trả chậm.
Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngành khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú ý mở 3.049 lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho 152.450 lượt hội viên, nông dân tham gia. Tổ chức 20 đợt cho 600 lượt hội viên nông dân thăm quan mô hình trình diễn chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi như: lúa lai, ngô lai, trồng dâu nuôi tằm, nhân giống đậu tương, sử dụng phân bón… Phong trào nông dân SXKD giỏi đã tạo sự gắn bó trong nội bộ nông dân, đoàn kết sản xuất, xây dựng nông thôn mới. 10 năm qua đã có trên 33.283 hộ hội viên, nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi, giúp đỡ tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ nông dân thoát đói nghèo ổn định đời sống.
Hưởng ứng cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, các cấp Hội đã tổ chức phát động hội viên, nông dân đăng ký xây dựng: “gia đình nông dân văn hoá, bản, tiểu khu văn hoá, tham gia xây dựng hương ước, quy ước”. Thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, các tệ nạn xã hội giảm đáng kể, việc ma chay, cưới xin, lễ hội theo nếp sống mới đã được hình thành và thực hiện ở nhiều cơ sở. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 209 CLB nông dân văn hoá, 125.917 hộ gia đình đạt gia đình nông dân văn hoá, 1.110 bản, tiểu khu đạt danh hiệu văn hoá, xây dựng trên 640 đội văn nghệ quần chúng nông dân.
Các cấp Hội vận động nông dân bàn quyết định các vấn đề xây dựng CSHT nông thôn theo các nội dung chủ yếu: mục đích công trình, lợi ích mang lại cho mỗi người dân, nghĩa vụ đóng góp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công trình với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm đã thu được kết quả tốt. Phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn có bước tiến nhanh, rộng khắp tác động tích cực đến đời sống của nông dân, hạn chế tiêu cực trong xây dựng điện, đường, trường, trạm, cầu, thuỷ lợi và công trình cấp nước sạch. Nhiều huyện, địa phương tỷ lệ ngõ, hẻm, lòng đường được bê tông hoá ước tính chiếm từ 40- 50% tổng giá trị công trình, 74% số dân được dùng nước sạch, 87% số hộ được dùng điện, 85% số hộ được xem truyền hình, 100% xã có trường tiểu học cơ sở cơ bản xóa được lớp học ca 3, 91,7% xã có trạm y tế, 100% xã có điện thoại và 95% xã có đường ô tô đến trung tâm xã.
Công khai dân chủ đã trở thành một giải pháp quan trọng để giải quyết khiếu nại của nông dân. Qua thực hiện Quy chế dân chủ giúp người dân củng cố niềm tin của mình với chính quyền, với cán bộ nên đã mạnh dạn phát hiện, tố giác tội phạm, xây dựng mạng lưới an ninh nông thôn, đấu tranh với những biểu hiện không lành mạnh có nguy cơ tác động xấu đến xã hội nông thôn. Các cấp Hội Nông dân thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó các vụ việc mâu thuẫn gay gắt trọng nội bộ nông dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, vượt cấp, đông người giảm đáng kể. Nhiều cơ sở Hội đã xây dựng được CLB nông dân với pháp luật, CLB lồng ghép, mạng lưới cộng tác viên pháp luật ở bản, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, giúp nông dân giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc mang lại kết quả tốt. Hội kịp thời hoà giải mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân, nhờ đó giữ được tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết gắn bó của nông dân. 10 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp cùng chính quyền, các ban, ngành chức năng tham gia hoà giải thành 2.014 vụ việc và giải quyết 1.004 đơn thư khiếu nại tố cáo, tập trung chủ yếu về lĩnh vực đất đai, giải toả, đền bù, chế độ chính sách…
Nhờ việc đưa nội dung xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở vào sinh hoạt và hoạt động Hội làm cho tổ chức Hội được củng cố phát triển, thu hút đông đảo nông dân vào Hội, từ năm 1998 đến 2008 đã tăng hơn 41.000 hội viên, chất lượng hoạt động tổ chức Hội tăng, số cơ sở Hội vững mạnh tăng lên 89,4%, cơ sở trung bình giảm xuống còn 4,1%, không có cơ sở yếu kém. Nhờ đó tổ chức Hội ngày càng được củng cố, hoạt động của Hội ngày càng có hiệu quả hơn, vai trò, vị trí của các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La được cấp uỷ, chính quyền đánh giá cao, hội viên, nông dân tin tưởng.
Thu Hà