Thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg, ngày 9/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Từ năm 2002 đến nay Hội Nông dân (Hội ND) tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên – Môi trường), tổ chức chỉ đạo, triển khai và thực hiện Chỉ thị đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Một trong số những hoạt động giúp nông dân cơ sở làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, hạn chế thấp nhất việc khiếu nại đông người, vượt cấp là Hội ND đã thành lập các tổ hòa giải cơ sở, trực tiếp tư vấn pháp luật và hòa giải những vụ việc, mâu thuẫn xích mích nhỏ trong nội bộ nông dân ở cơ sở. Đến cuối năm 2008, Hội ND tỉnh đã phối hợp xây dựng được 1.168 tổ hòa giải trên 1.103 làng, thôn, khối phố, cụm dân cư trong toàn tỉnh, với 7.969 hòa giải viên và đã tham gia hoà giải gần 6.200 vụ việc, tăng gấp 2 lần so với năm 2001. Các cấp Hội tích cực đi sâu vào từng vụ việc cụ thể, trực tiếp tham gia phối hợp hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nông dân; hướng dẫn giải quyết cho các đối tượng hiểu rõ đúng, sai, đồng thời dùng tình, lý thuyết phục các bên tự hòa giải. Một khi các bên chưa tự hòa giải được, đưa sự việc ra chi, tổ, hội để tập thể hội viên góp ý cùng với chính quyền, đoàn thể vận động.
Tham gia công tác hoà giải từ năm 1998 – 2008, Hội ND các cấp đã phối hợp hòa giải được 55.436 vụ, trong đó hòa giải thành 47.055 vụ, đạt 84,88%, về lĩnh vực đất đai: 10.047 vụ, đạt 18%; dân sự: 12.993 vụ, đạt 13%; hôn nhân gia đình đạt 43%, còn lại là các lĩnh vực khác; 8.033 vụ hòa giải không thành được chuyển lên các cấp (15,12%). Một số tổ hòa giải làm tốt công tác hòa giải cấp cơ sở tiêu biểu như: Hội Nông dân các huyện Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Lão…
Tuyên truyền pháp luật cho người dân
Ngoài ra, các cấp Hội còn thành lập các Ban chỉ đạo để thực hiện tốt chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ. Trong số các đơn vị làm tốt là Thành phố Quy Nhơn, huyện VĨnh Thạnh từ năm 2002 Hội Nông dân thành phố đã chủ động tham mưu cho UBND thành phố ra quyết định thành lập BCĐ và kế hoạch của Ban BCĐ triển khai thực hiện trên địa bàn Tp Quy Nhơn.
Đến nay, qua 6 năm hoạt động HND thành phố đã tổ chức tuyên truyền 304 buổi phổ biến pháp luật cho 22.654 lượt hội viên nông dân, nâng cao hiểu biết Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật hôn nhân gia đình, Luật khiếu nại tố cáo, các chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phối hợp tổ chức 102 buổi trợ giúp pháp lý cho 5.761 lượt hội viên nông dân. Phối hợp tổ chức tập huấn một số nội dung cơ bản nghiệp vụ công tác Hội liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân (như công tác phổ biến, giáo dục và trợ giúp pháp lý cho nông dân; tiếp hội viên nông dân và xử lý đơn thư; hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân và thi hành kỷ luật Hội) cho 149 cán bộ Hội là tổ trưởng các tổ hòa giải ở cơ sở.
Đã tham gia hòa giải và giải quyết thành công các mâu thuẫn trong nội bộ nông dân là 561/656 vụ việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân. Góp phần giải quyết kịp thời, tại chỗ các vi phậm pháp luật, giữ được tình làng, nghĩa xóm, ổn định tình hình an ninh, chính trị - xã hội nông thôn, phát huy tinh thần làm chủ của nông dân, tăng cường truyền thống đoàn kết, xây dựng nếp sống văn minh.
Hội ND huyện Vĩnh Thạnh cũng đã làm tốt việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Sáu năm qua các cấp Hội huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở 9 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết khiếu nại tố cáo cho hơn 500 cán bộ hội cơ sở; tổ chức 24 đợt tuyên truyền phổ biến luật hôn nhân gia đình, luật đất đai, an toàn giao thông, luật khiếu nại tố cáo, pháp lệnh hòa giải ở cơ sở, có hơn 12 ngàn lượt người tham dự.
Thông qua các đợt sinh hoạt chuyên đề pháp luật ở cơ sở, qua tư vấn pháp luật của các tổ hòa giải, qua việc Hội tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân đã góp phần tăng vị thế của Hội ở cơ sở. Đồng thời, qua đó nâng dần sự hiểu biết về pháp luật, để nội bộ nông dân tự giải quyết được những mâu thuẫn giúp tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt. Công tác hòa giải do các cấp Hội trong tỉnh thực hiện đã tạo ra sự chuyển biến cả chiều rộng đến chiều sâu; quy chế dân chủ cơ sở từng bước được phát huy; an ninh trật tự ở địa phương ổn định, góp phần tích cực vào thắng lợi trong việc xây dựng kinh tế xã hội ở nông thôn.
Trần Long- Mai Hương