Xã Tân Sơn đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền pháp luật cho hội viên, nông dân
10:06 - 06/07/2009
Xã Tân Sơn nằm ở phía bắc Tp Pleiku, có diện tích tự nhiên 877,69 ha; trong đó đất nông nghiệp 568,07 ha. Tổng số hộ là 1.069 với 5.003 khẩu; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Jarai có 235 hộ với 1.130 khẩu. Toàn xã có 95% hộ nông nghiệp, chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi. Số hội viên, nông dân là 636 người, chiếm 63% so với số hộ trong xã.

          
        Sau khi được Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, HND thành phố Pleiku chọn xã Tân Sơn để xây dựng điểm 26, Đảng uỷ, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo 26 gồm 13 đ/c do đ/c Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đ/c Chủ tịch HND xã làm Phó ban trực, các thành viên còn lại là đại diện các ban, ngành, đoàn thể xã, thôn. Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai các nội dung hoạt động xây dựng điểm. 
        Qua điều tra khảo sát mức độ hiểu biết pháp luật của hơn 200 hội viên, nông dân ở 4 chi Hội trong xã về một số lĩnh vực pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống nông dân, kết quả cho thấy nhận thức pháp luật của nông dân còn rất thấp, ở tất cả các độ tuổi, ngành nghề, tôn giáo, dân tộc: số người hiểu được chính sách PL chiếm 35%; số người hiểu sơ sơ chiếm 53,7%; số người không hiểu chiếm 11,3%; đặc biệt tỷ lệ người dân tộc thiểu số hiểu được chính sách PL là 11%, còn tới 89% là không biết. Việc tiếp nhận thông tin pháp luật chủ yếu qua phương tiện thông tin đại chúng (đài, ti vi) chiếm trên 90%, còn qua sinh hoạt đoàn thể, học tập, tham gia các hội thi mới chỉ đạt trên 50%. Các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh thường xảy ra ở địa phương là tranh chấp đất đai chiếm 57,5%; tranh chấp ranh giới liền kề 61%; mâu thuẫn vợ chồng 77%; dân sự 14,5%. Phương pháp xử lý những mâu thuẫn trong nội bộ nông dân theo xu hướng tự giải quyết chiếm 68%; đề nghị chính quyền can thiệp 15%; còn đề nghị tổ chức Hội giúp đỡ, hoà giải chỉ có 17%. Từ đó, đã đánh giá được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nông dân trên một số lĩnh vực pháp luật: Luật đất đai 84%, Luật khiếu nại tố cáo 75%, Bộ luật dân sự 94%, Luật hôn nhân gia đình 88%, các văn bản pháp luật khác 39%. Để nâng cao nhận thức pháp luật cho bản thân, có tới 88% hội viên, nông dân được khảo sát rất hứng thú với hình thức tham gia sinh hoạt câu lạc bộ nông dân với pháp luật. 
         Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của hội viên, nông dân, Câu lạc bộ nông dân với pháp luật của xã đã được thành lập, có 30 hội viên tham gia dưới sự quản lý, điều hành của ban chủ nhiệm CLB do đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm chủ nhiệm CLB. Quy chế hoạt động của CLB được các thành viên tham gia xây dựng với những điều khoản cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng. Tủ sách pháp luật và các trang thiết bị cần thiết được đầu tư để phục vụ cho hoạt động của CLB. Nội dung sinh hoạt CLB hàng tháng đã bước đầu mang lại kết quả tốt trong công tác tuyên truyền giáo dục PL, tư vấn pháp lý cho nông dân biết cách xử lý các tình huống thực tế để họ tự tháo gỡ vướng mắc, giải quyết mâu thuẫn của bản thân và gia đình. Đồng thời, trong các buổi sinh hoạt đã có lồng ghép việc bồi dưỡng các phương pháp, kỹ năng hoà giải ở cơ sở để nâng cao chất lượng hoà giải tại địa phương. 
           HND xã đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 132 cán bộ chủ chốt xã và các chi Hội trưởng, trưởng thôn, bản. Tổ chức học tập một số chính sách pháp luật cần thiết như: Chỉ thị 26/TTg, Pháp lệnh dân chủ cơ sở, Luật đất đai năm 2003, Luật khiếu nại tố cáo, Luật hôn nhân gia đình, Pháp lệnh tín ngưỡng và tôn giáo… ở 6 thôn, làng cho hơn 600 lượt hội viên, nông dân tham dự. Qua đó, nhận thức pháp luật của hội viên, nông dân đã từng bước có những chuyển biến rõ rệt. HND xã tích cực tham gia cùng UBND tiếp dân, hoà giải và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của hội viên, nông dân: tiếp nhận 16 đơn kiến nghị, khiếu nại về tranh chấp đất đai, tài sản, khiếu nại hành vi hành chính, mâu thuẫn nội bộ; đã hoà giải được 12 vụ việc, xử lý hành chính 1 vụ; nhìn chung các vụ việc được hoà giải đều chấp hành tốt các thoả thuận, không phát sinh mâu thuẫn khiếu kiện lần 2. 
          Để đưa pháp luật đến với hội viên, nông dân một cách sinh động, cụ thể, Hội Nông dân xã đã tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá cho hội viên, nông dân tham gia. Đã chọn được 3 đội dự thi với 21 thí sinh tham gia các nội dung: chào hỏi, trả lời câu hỏi bằng hình thức hái hoa dân chủ, giải quyết tình huống pháp luật. Câu hỏi và các tình huống pháp luật được lựa chọn, xây dựng trong những nội dung pháp luật đã được tuyên truyền cho hvnd trên cơ sở phù hợp với hiểu biết pháp luật của bà con. Thể lệ, quy chế cuộc thi được Ban tổ chức hội thi xây dựng chặt chẽ, rõ ràng. Kết quả cuộc thi đã có chi Hội thôn 9 đạt giải nhất, chi Hội thôn 1 đạt giải nhì, chi Hội làng Tiêng đạt giải khuyến khích; về cá nhân có bà Phạm Thị Hoa, hội viên chi Hội thôn 1 đạt giải nhất, ông HTưng hội viên chi Hội làng Tiêng đạt giải nhì và các giải khuyến khích; các giải thưởng đã khuyến khích, động viên nông dân thi đua học tập chính sách pháp luật để nâng cao hiểu biết pháp luật cho bản thân và gia đình. Qua hội thi, có thể khẳng định đây là sân chơi bổ ích cho hội viên, nông dân, vừa tạo điều kiện cho nông dân được giao lưu, học hỏi, vừa là hình thức tuyên truyền pháp luật cho hội viên, nông dân sâu sắc, thiết thực và đạt hiệu quả cao.
         Bằng việc đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền pháp luật cho hội viên, nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của bà con đã có những chuyển biến rõ rệt, bước đầu đã giúp nông dân có thể tự giải quyết những vướng mắc của bản thân và gia đình, tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, góp phần hạn chế những vi phạm pháp luật và khiếu kiện tại địa phương. 

          Vân Anh
                                                                                       

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp