Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng để phát huy quyền làm chủ của hội viên, nông dân, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội ở nông thôn, khắc phục tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nông dân và ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hiện tượng, hành vi tiêu cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhận thức được ý nghĩa đó, 10 năm qua các cấp Hội ND tỉnh Kiên Giang đã tích cực quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị 30 đến cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh. Qua đó đã làm chuyển biến về nhận thức của cán bộ, hội viên và nông dân trong việc phát huy quyền dân chủ, Hội Nông dân các cấp có vai trò trong cả 2 hình thức: Dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp của hội viên và nông dân. Dân chủ đã được thể chế hoá bằng những cơ chế chính sách và những quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Phương thức hoạt động của Hội là vận động, thuyết phục và thống nhất hành động cho phù hợp với nội dung Quy chế dân chủ, tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ chính là thể hiện tốt các nhiệm vụ của Hội, làm nòng cốt để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương cơ sở, xoá đói giảm nghèo, làm giàu, tham gia hoà giải, giải quyết các mâu thuẩn trong nội bộ nông dân, xây dựng xã, phường, thị trấn, ấp và khu phố văn hoá, tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Quy chế dân chủ được cán bộ, hội viên và nông dân đồng tình, ở những nơi triển khai thực hiện tốt đã trở thành sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực của nông dân. Đa số cán bộ, hội viên và nông dân đều cho rằng Quy chế dân chủ là phù hợp với lòng dân, nếu được thực hiện đầy đủ như nội dung quy định của Nghị định 79/CP thì sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Thực tế khẳng định Quy chế dân chủ thực hiện tốt là một giải pháp để khắc phục bệnh quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ đảng viên thoái hoá biến chất để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Đồng thời cũng là một giải pháp tích cực để khắc phục những điểm nóng, khiếu kiện kéo dài của nông dân; tăng thêm sự gắn bó, cũng cố niềm tin của nông dân với Đảng, chính quyền.
Các cấp Hội đã vận động nông dân thực hiện dân chủ trong phát triển kinh tế- xã hội: Phát huy kết quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, trong thời gian qua Hội Nông dân các cấp đã chủ động vận dụng QCDC vào công tác vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế- xã hội, thông qua các chương trình, Nghị quyết liên tịch phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT đã thành lập các tổ vay vốn và tổ tiết kiệm, đã xét cho 332.436 lượt hộ vay với số tiền 2.363 tỷ 742 triệu đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,12% (năm 2003) giảm còn 5,87% (tiêu chí cũ) và theo tiêu chí mới 7,45% (năm 2008), vận động quyên góp trong nội bộ nông dân được 32 tỷ 197 triệu đồng; 407.308 ngày công lao động; 814.717 kg gạo; 1.348.543 kg lúa, giúp cho hơn 38.742 hộ gặp khó khăn. Ngoài ra, các cấp Hội đã đẩy mạnh chủ trương của Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy sức mạnh nội lực của quần chúng nông dân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay toàn tỉnh 142 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, 70% ấp, khu phố có đường liên ấp. Đặc biệt là nông dân tự nguyện đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để làm lộ, bắt cầu, xây dựng trường học, trạm y tế, cất nhà đoàn kết nông dân... làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Từ năm 1998 đến nay, nông dân đã đóng góp trên 700 tỷ đồng, để xây dựng 2.125 km lộ giao thông, 956.311m3 nạo vét kênh mương, sửa chữa và làm mới 2.526 cây cầu, 535 hộ dân hiến trên 637.710 m2 đất để xây dựng trường học, các công trình thuỷ lợi, tham gia giám sát thi công, quản lý, sử dụng bảo quản duy tu các công trình lộ nông thôn do Hội vận động và tham gia quản lý bảo vệ và sửa chữa. Điển hình như: HND huyện Phú Quốc; Gò Quao; Tân Hiệp; Châu Thành; Giồng Riềng... là những nơi phát huy tốt quyền dân chủ, dân được biết, được tham gia bàn bạc, được giám sát các công trình, nên đã tự nguyện đóng góp với số tiền lớn để tham gia xây dựng giao thông nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
Thực hiện Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác hoà giải tranh chấp trong nội bộ nông dân đã được các cấp Hội quan tâm và đã có những chuyển biến tích cực, nhất là ở cơ sở. Trong thời gian qua đã phối hợp tổ chức hoà giải được 10.590/13.596 vụ việc yêu cầu hoà giải, đạt tỷ lệ 72,02%. Từ hướng tích cực trên đã góp phần ngăn ngừa các loại đơn thư khiếu tố vượt cấp, xây dựng đoàn kết tình làng nghĩa xóm và đạo đức xã hội trong cộng đồng dân cư.
Cùng với công tác hoà giải, Hội đã tham gia cùng với chính quyền và các ngành có liên quan tiếp nhận và giải quyết được 9.712/10.762 đơn khiếu nai, tố cáo đạt 90,25%. Nhìn chung việc thực hiện dân chủ trong công tác hoà giải trong cán bộ, hội viên, nông dân, bước đầu đã tạo được niềm tin, góp phần ổn định chính trị và trật tự ở đia phương.
Thông qua thực hiện QCDC ở cơ sở, hội viên, nông dân hiểu rõ hơn về chính quyền là của dân, do dân, vì dân, dân phải có trách nhiệm xây dựng chính quyền. Chính quyền thực hiện công khai dân chủ, từ đó tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, áp đặt được giảm dần, mối quan hệ giữa nông dân với chính quyền ngày càng được thắt chặt.
Sau 10 năm triển khai và thực hiện QCDC cơ sở, các cấp Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã phát huy vai trò của mình và làm tốt chức năng đại diện cho hội viên và giai cấp nông dân, quyền dân chủ của từng cá nhân đã được phát huy và nâng lên rõ rệt.
Hà Phương