Thời gian qua, Đảng ủy, UBND cùng các ban, ngành, đoàn thể xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp, Đăk Nông) luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở. Nhờ đó, đã góp phần hạn chế các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, củng cố và phát huy tình làng nghĩa xóm, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương...
Theo ông Phan Văn Hân, Trưởng Ban Tư pháp xã Đạo Nghĩa thì xác định hòa giải ở cơ sở là hình thức vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ ở cơ sở tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, trong đó có việc tự giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng. Bởi vì việc áp dụng các điều, khoản luật vào từng vụ việc cụ thể để giải quyết là những bài học thực tế bổ ích cho người dân.
Từ nhận thức đó, sau khi chia tách địa giới hành chính (tháng 12-2006), UBND xã Đạo Nghĩa đã ra quyết định kiện toàn, củng cố các tổ hòa giải ở 100% thôn và thành lập một Hội đồng hòa giải xã có 12 thành viên do Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách. Mỗi tổ hòa giải ở các thôn có 5 thành viên. Các thành viên tham gia vào tổ hòa giải bao gồm ban cán sự thôn, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các thành viên có uy tín trong cộng đồng dân cư, có trình độ, khả năng tập hợp quần chúng và năng lực thuyết phục cao… cùng với đó, để nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên, hàng năm xã tổ chức mời cán bộ tư pháp huyện, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tập huấn trang bị những kiến thức pháp luật, tài liệu mới về công tác hòa giải…
Từng thành viên trong mỗi tổ hòa giải, tùy theo giới, đoàn thể đều được phân công nắm bắt tình hình ở khu dân cư, trong hội viên, để phát hiện những manh nha mâu thuẫn và có biện pháp hòa giải kịp thời. Trong thôn xóm có vụ việc xảy ra, các thành viên trong tổ cùng phối hợp với Chi bộ, Ban tự quản thôn, các tổ chức đoàn thể tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, bàn phương án hòa giải. Sau đó đưa ra cách giải quyết mang lại hiệu quả nhất, ngoài việc họp hai bên đương sự lại, phân tích cho họ hiểu cái tình, cái lý của sự việc, các thành viên trong tổ tùy vào mối quan hệ với các bên đối tượng để đến tận nhà “tỉ tê”, phân tích, thuyết phục, nhằm đạt được mục đích “hòa giải” mâu thuẫn, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, không để xảy ra mâu thuẫn lớn.
Điển hình như vụ việc tranh chấp đất hội trường thôn giữa anh Nguyễn Ngọc Tuấn và Ban tự quản thôn Quảng Thọ. Nguyên nhân là do trước đây khi cấp sổ đỏ cho nhà anh Tuấn, địa chính đã cấp luôn diện tích đất của hội trường thôn vào diện tích đất của anh Tuấn. Nay khi thôn có ý định xây hội trường thì anh Tuấn không chịu nhường lại diện tích đất mà địa chính cấp nhầm cho anh mà còn bắt thôn phải mua lại. Sự việc trên gây nhiều bất bình trong bà con nhân dân thôn Quảng Thọ. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của Ban tự quản thôn Quảng Thọ, Hội đồng hòa giải xã nhận định đây là vụ việc phức tạp nếu giải quyết không khéo sẽ sinh ra mâu thuẫn. Hội đồng hòa giải xã đã họp lại cùng phối hợp với tổ hòa giải thôn tìm cách tháo gỡ. Với nhiều biện pháp vừa mềm dẻo phân tích cái tình làng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau, vừa dùng cái lý để khuyên nhủ, thuyết phục sau nhiều lần hòa giải kiên trì thuyết phục, anh Tuấn đã đồng ý trả lại đất cho thôn, để xây hội trường. Hay như vụ việc một số hộ dân thôn Quảng An kiến nghị Hội đồng hòa giải xã vận động ông Trần Công Thành nhường đất để mở rộng đường đi cho các hộ ở phía sau nhà ông. Sau khi được các thành viên hòa giải xã và thôn vận động, phân tích, ông Thành đã đồng ý và cam kết nếu sau này thôn mở rộng đường liên thôn thì sẽ hiến thêm đất.
Chính vì biết phối hợp đồng bộ, kiên trì hòa giải khi vụ việc mới manh nha, nên nhiều vụ việc được hòa giải ngay từ thôn xóm. Lượng đơn thư lên đến xã cơ bản được hòa giải thành, người dân khi có mâu thuẫn, bức xúc đều tìm đến tổ hòa giải, đơn thư vượt cấp giảm hẳn. Đơn cử như từ đầu năm đến nay, xã tiếp nhận 9 vụ việc, đã hòa giải thành 8 vụ việc, riêng những vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hòa giải thành trên 90%. Kết quả của công tác hòa giải cơ sở ở địa phương đã góp phần làm cho tình hình trật tự an toàn xã hội được ổn định, không có điểm nóng, phức tạp.
Lam Giang ( Đăk Nông online)