Bình Dương: Nhiều điểm sáng trong thực hiện Chỉ thị 26
10:06 - 01/10/2009
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 26, các cấp Hội tỉnh Bình Dương đã tích cực tham gia giải quyết khiếu khiếu nại, tố cáo của nông dân và đạt được những kết quả nổi bật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân được các cấp hội quan tâm.

Trong 05 năm, Hội đã tổ chức được 4.939 buổi tiếp dân với 190.666 người tham dự; các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật từ tỉnh đến cơ sở như năm 2006 tổ chức cuộc thi Tìm hiểu Luật đất đai với 4791 bài dự thi, năm 2008, tổ chức cuộc thi “Nông dân với an toàn giao thông” có 758 thí sinh tham gia. Công tác tiếp dân, tham gia hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân ngày càng chặt chẽ. Hội nông dân cấp tỉnh đã tổ chức 738 buổi tiếp dân, huyện và cơ sở tổ chức 15.240 buổi, trực tiếp hòa giải 1.508 vụ, trong đó có 1.240 vụ hòa giải thành, giải quyết khiếu nại, tố cáo 11.900 vụ. Trong đó, có nhiều xã thực hiện rất tốt vấn đề này, như: Hòa Lợi (Bến Cát), Khánh Bình (Tân Uyên), An Bình (Phú Giáo)…

 

 Theo ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, những năm gần đây kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, mặt trái của nó đã nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tranh chấp đất đai, mâu thuẫn nội bộ, khiếu kiện vượt cấp, sai thẩm quyền, khiếu kiện đông người diễn biến phức tạp. Trước tình hình như vậy, các cấp Hội Nông dân đã có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân như: Tổ chức các hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” bằng hình thức sân khấu hóa có sức hấp dẫn và thu hút đông đảo nông dân tham gia và là kênh tuyên truyền hiệu quả nhất, sâu rộng nhất.

Song song đó, hội cũng tổ chức xây dựng các tủ sách pháp luật, trang bị các loại sách, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay phổ biến pháp luật ở cơ sở hội. Xây dựng Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia vào các câu lạc bộ phòng chống tội phạm để làm nòng cốt tuyên truyền rộng rãi pháp luật cho nông dân, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên nông dân. “Công tác trợ giúp pháp lý cũng được các cấp hội quan tâm, hàng năm Hội Nông dân các cấp phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí cho cán bộ, hội viên nông dân. Kết quả 5 năm có 33.770 lượt người được tư vấn, đây là con số đáng mừng”, ông Lâm Văn Hòa nói.

Có thể nói, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ còn một số mặt hạn chế như: Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở một số cấp hội còn chưa được sâu rộng, nhận thức của nông dân về pháp luật còn hạn chế. Việc phối hợp giữa Hội Nông dân với chính quyền và các ngành chức năng có liên quan có lúc, có nơi chưa được thường xuyên và chặt chẽ. 

Các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt chỉ thị 26 được khen thưởng 

Một số cán bộ chưa tích cực, chủ động tham gia công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải, ít có chính kiến đề xuất giải quyết vụ việc. Trình độ nghiệp vụ của cán bộ hội được phân công thực hiện Chỉ thị 26 còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu...

Trước những hạn chế như nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Kim Vân cho rằng trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo 26, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng để thực hiện tốt Chỉ thị 26 và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Để tăng cường hơn nữa vai trò của hội trong việc tham gia giải quyết khiếu nại , tố cáo của nông dân theo tinh thần Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức phong phú ở nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, như đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, tiếp tục trang bị tủ sách, sách pháp luật đến cơ sở hội.  Hội Nông dân tỉnh cần có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải; đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phong trào phát triển văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh để tạo điều kiện thực hiện tốt Chỉ thị 26 và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ.


Hồ Văn ( Bình Dương)  
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp