|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành của ngành tư pháp từ Trung ương tới địa phương tiếp tục có những đổi mới, sát sao, quyết liệt hơn, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội, Chính phủ và từng địa phương.
Cụ thể, công tác tổ chức xây dựng ngành tiếp tục được quan tâm kiện toàn; nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, thi hành án dân sự các cấp được chú trọng; các lớp đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đúng đối tượng gắn với cập nhật kiến thức, các quy định mới cũng như thực tiễn triển khai công việc ở địa phương.
Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tư pháp tập trung thực hiện. Ngành tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò “gác cổng” về mặt thể chế cho các bộ, ngành, địa phương; chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, chú trọng vào tính khả thi, hợp lý của văn bản.
Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã tổ chức thẩm định 151 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Toàn ngành đã thẩm định trên 5.100 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 163 dự thảo.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục có nhiều điểm sáng, chú trọng khâu xử lý văn bản trái pháp luật. Qua kiểm tra đã phát hiện hơn 370 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thầm quyền; kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ.
Bộ Tư pháp đã tổ chức bài bản việc triển khai và chuẩn bị triển khai các bộ luật, luật có hiệu lực thi hành trong năm 2017, nhất là các bộ luật, luật do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện.
Hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của ngành được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả.
Công tác thi hành án dân sự được tăng cường; kết quả thi hành án dân sự về vụ việc và về tiền tiếp tục đạt kết quả cao. Cụ thể, về việc, giải quyết xong trên 314.000 việc, đạt tỉ lệ trên 59% (tăng trên 3% so với cùng kỳ năm 2016); về tiền giải quyết xong trên 21.400 tỷ đồng, đạt tỉ lệ trên 21% (tăng trên 7% so với cùng kỳ năm 2016).
Trong thời gian còn lại của năm, Bộ, ngành Tư pháp xác định đầy đủ, toàn diện các phương hướng, giải pháp trên các mặt, lĩnh vực công tác.
Theo đó, tập trung kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tư pháp các cấp sau khi có quy định mới; bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; chuẩn bị và tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh mới …
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng quán triệt một số nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý; báo cáo chuyên đề về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, bao gồm việc triển khai Luật Đấu giá tài sản và chuyên đề sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế phát ngôn của Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự.
Các đại biểu đến từ các bộ, ngành và tại các điểm cầu đã thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề, khái quát những điểm nổi bật, chủ yếu tập trung vào các khó khăn, vướng mắc và nêu kinh nghiệm xử lý của bộ, ngành, địa phương mình.
Những nội dung được đại biểu quan tâm liên quan đến việc thực hiện những quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; chuyển đổi văn phòng công chứng từ một thành viên sang hai thành viên hợp danh trở lên…
Nhiều ý kiến kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hướng dẫn quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có thông tin chính thức để người dân biết về Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (trong đó có bãi bỏ việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và khi cha hoặc mẹ đi khai sinh cho con không phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn)…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long hoan nghênh kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo điều hành.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, ngành tư pháp xác định sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tập trung kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tư pháp các cấp.
Bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Chuẩn bị và tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết mới.
Tập trung nguồn lực để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án dân sự. Giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt là đối với các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản Nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng có giá trị lớn. Cùng với đó là siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống.
Nghiên cứu, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đề xuất hướng hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực này; tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hộ tịch, chứng thực.
Hoàn thiện việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021.
Chủ động triển khai các giải pháp, định hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ và ngành Tư pháp.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tư pháp đã nhấn mạnh các giải pháp chủ yếu, trong đó có việc tiếp tục đổi mới chỉ đạo, điều hành; chú trọng khâu tổ chức thực hiện, “nói đi đôi với làm”.
Gắn việc chỉ đạo triển khai với việc phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; xử lý vi phạm; thi đua, khen thưởng... Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự các cấp.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ với các cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.