Khánh Hòa: Tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật,
trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân.
(KNTC) Đến nay, toàn tỉnh đã có 72 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” và lực lượng cộng tác viên hòa giải tại các chi Hội; 100% cơ sở Hội trong toàn tỉnh có tủ sách pháp luật với số lượng 172 tủ. Thông qua việc xây dựng chi hội Nông dân văn hóa, Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, Tỉnh hội đã phát động xây dựng tủ sách nông dân đến từng chi hội, vận động hội viên, nông dân đọc và làm theo sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, tham khảo, nâng cao hiểu biết để chấp hành pháp luật.
Câu Lạc bộ “Nông dân với pháp luật” là cầu nối giữa hội viên, nông dân với pháp luật, nông dân được thông tin, được trợ giúp pháp lý, được tư vấn về pháp luật, được CLB bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi mình bị xâm phạm. Tiếp hội viên nông dân, nhận giải quyết đơn thư khiếu tố, hạn chế khiếu kiện sai, vượt cấp…
Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đã triển khai xây dựng mô hình thực hiện Quyết định 81 gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại thị xã Ninh Hòa. Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành tổ chức tập huấn cho trên 100 cán bộ, hội viên, nông dân về: Luật Đất đai, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật thừa kế và công tác hòa giải, giải đáp những thắc mắc của hội viên nông dân liên quan đến đất đai và đời sống người dân.
Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”đi vào hoạt động, bước đầu Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ cho CLB một phần kinh phí và trang bị phương tiện tuyên truyền, tủ sách với một số đầu sách về pháp luật, tài liệu hướng dẫn về kỹ năng tuyên truyền pháp luật, đồng thời hướng dẫn tổ chức sinh hoạt và tuyên truyền cho các thành viên CLB về luật Khiếu nại, luật Tố cáo.
Thực hiện qui chế phối hợp giữa UBND xã với Hội Nông dân xã gắn với thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, các cấp Hội cùng với chính quyền xây dựng cơ chế phối hợp công khai cho dân biết những vấn đề có liên quan đến quyền lợi trực tiếp như đất đai, bồi thường, hỗ trợ giải tỏa, giải phóng mặt bằng, huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, quản lý thu chi các nguồn quỹ, các dự án kinh tế, xã hội; nhiều công trình trọng yếu ở cơ sở như đường giao thông nông thôn, hệ thống chiếu sáng, trạm y tế, các công trình phúc lợi… đã được xây dựng dưới hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm... góp phần đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới.
Các cấp Hội chủ động phối hợp với ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên- Môi trường mở các lớp tập huấn về pháp luật như: Luật Đất đai; Luật khiếu nại, Luật tố cáo và công tác hòa giải và tham gia giải quyết KNTC…. Hội Nông dân tỉnh đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, lồng ghép việc phổ biến giáo dục pháp luật với các chương trình khác sinh động, khả thi, có hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, thích hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế.
Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền miệng thông qua các buổi hội nghị, cuộc họp, tập huấn, sinh hoạt cơ quan, sinh hoạt chi Hội… để giới thiệu, quán triệt nội dung các luật mới và các văn bản qui phạm pháp luật đã ban hành, qua đó đưa công tác PBGDPL đi vào thực tế, hiệu quả, thiết thực. Đồng thời cung cấp tài liệu Hỏi – Đáp pháp luật về thực hiện các quyền của người sử dụng đất; vấn đề bồi thường, tái định cư; công tác hòa giải ở cơ sở; những qui định về khiếu nại, tố cáo và một số chính sách khác, phát hành đến chi Hội dùng làm tài liệu tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân. Duy trì phát hành Bản tin Nông dân Khánh Hòa định kỳ mỗi quý được phát hành đến các chi Hội, trong đó có chuyên mục nông dân cần biết về pháp luật được các chi Hội dùng làm tài liệu tuyên truyền đến hội viên, nông dân.
Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các huyện, thị, thành Hội đã xây dựng được các mô hình tự quản bảo vệ môi trường thu gom rác thải ở các khu dân cư trên địa bàn và mang lại hiệu quả thiết thực.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng. Thông qua Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Bản tin Công tác Hội; gắn với lực lượng tuyên truyền viên, cộng tác viên, cán bộ Tư pháp cơ sở để tuyên truyền, phổ biến…Trong năm 2016, Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức PBGDPL cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân. Đồng thời thông qua việc tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài lần thứ 4 - năm 2016”, Hội Nông dân các cấp đã lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà Nước, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về kiến thức quy định của pháp luật, cũng như giúp nông dân hiểu biết về những kiến thức trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi.
Công tác tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; tham gia tiếp hội viên, nông dân; hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường.
Bên cạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân được các cấp Hội chú trọng. Bằng nhiều hình thức. Trong năm 2016 Hội đã tổ chức được 158 buổi tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 2.798 lượt người. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nông dân Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở chủ động lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân và các nghị định hướng dẫn thi hành trong các chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa phương, trong đó chú trọng việc thông tin, tuyên truyền về các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể để công dân tự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, đảm bảo việc khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng pháp luật.
Trong năm 2016, Hội hoà giải thành 62 vụ, phối hợp giải quyết 478 đơn thư khiếu nại tố cáo, trong đó gủi trực tiếp đến Hội 128 đơn thư. Có vụ mâu thuẫn, phức tạp không thể hòa giải được ngay, cán bộ Hội phối hợp với tổ hòa giải của chính quyền, phân tích và giúp hội viên, nông dân tìm hiểu thêm những quy định mới của pháp luật, từ đó tự tháo gỡ vướng mắc đi đến thỏa thuận với nhau.
Ngoài ra các cấp Hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trọng tâm là các chủ trương chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, Hội đã tích cực vận động nông dân góp phần quan trọng thực hiện cuộc vận động cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.