(KNTC)- Phân cấp quản lý phân bón cho địa phương; dẹp nạn sản xuất phân bón theo công nghệ thô sơ; phải có phòng khảo nghiệm để kiểm tra chất lượng đầu vào và đầu ra… đó là những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị góp ý dự thảo Nghị định về quản lý phân bón do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.
|
Hội nghị lấy ý kiến các đại biểu xây dựng Dự thảo Nghị định quản lý phân bón mới (ảnh: PTT) |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) được Bộ Nông nghiệp & PTNT giao chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định về quản lý phân bón (thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP) và tổ chức 03 hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị định khu vực.
Tham dự các Hội thảo tại 3 khu vực có Bộ NN-PTNT; Hiệp hội phân bón, TƯ Hội Nông dân VN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón; các tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón…
Sau khoảng 3 năm thực hiện Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, việc quản lý mặt hàng này đã có hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, Nghị định 202 còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại kẽ hở, chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn dẫn đến sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng.
Tính đến thời điểm 1/1/2017, cả nước có 6.052 sản phẩm phân bón được thống kê nhưng trên thực tế có khoảng 10.000 sản phẩm. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan nhưng không kiểm soát được chất lượng trở nên khá phổ biến; nhiều nhà máy sử dụng công nghệ thô sơ, lạc hậu; việc sử dụng phân bón không hiệu quả, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất…
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế cũng như lợi thế đã được phát huy ở Nghị định 202, Nghị định quản lí phân bón mới sẽ được xây dựng trên tinh thần kế thừa có chọn lọc, cái nào phù hợp sẽ được giữ lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Dự thảo sửa đổi Nghị định 202 gắn trách nhiệm quản lí phân bón về chính quyền địa phương các cấp.
Cụ thể, đa số các ý kiến tại các Hội thảo góp ý đều đồng ý với phương thức quản lý phân bón phải được công nhận bằng Quyết định và thống kê thành Danh mục; cần cụ thể các loại phân bón nào phải khảo nghiệm, loại nào không phải khảo, khảo nghiệm tại các tổ chức đủ điều kiện và được Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ định.
Đối với quy định phải có phòng thử nghiệm trong sản xuất phân bón, đa số đều đồng ý tuy nhiên dự thảo nên nghiên cứu đối với công ty có nhiều nhà máy sản xuất thì chỉ cần có một phòng thử nghiệm được công nhận và quy định tiến độ phải thực hiện quy định này có thể dài hơn (sang năm 2019).
Có ý kiến đề nghị không cần phải có phòng thử nghiệm mà cho liên kết, ký hợp đồng thử nghiệm, đặc biệt đối với phân bón hữu cơ sinh học không thể một phòngthử nghiệm phân tích hết các chỉ tiêu.
Đề nghị phân cấp cụ thể và triệt để hơn nữa như phân cấp địa phương quản lý cả về sản xuất, về hợp chuẩn, hợp quy. Quy định cụ thể cơ quan quản lý về phân bón tại địa phương là Chi cục Trồng trọt và BVTV.
Đại biểu cũng đưa ra một số ý kiến khác như xem xét lại một số thuật ngữ (phân bón, bỏ khái niệm phân bón khác, bổ sung các khái niệm về phân bón giả, phân bón kém chất lượng,...); quy định về chỉ tiêu trong Phụ lục kèm theo Nghị định.
Nghị định thay thế Nghị định 202 sau khi ban hành sẽ được áp dụng luôn, không cần thêm thông tư hướng dẫn.