Phú Thọ: Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở
11:09 - 09/03/2017
(KNTC)- Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân và tham gia công tác hoà giải ở cơ sở luôn là một trong những nội dung, tiêu chí cơ bản quan trọng để đánh giá xếp loại phong trào Hội.
Hội ND các cấp thường xuyên tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho hội viên, nông dân (Ảnh minh họa)


Ngay sau khi Luật hòa giải ở cơ sở được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thành,thị phối hợp với ngành Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, chỉ đạo tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đưa các nội dung của Luật hòa giải ở cơ sở vào kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm.



Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có Luật hòa giải ở cơ sở cho cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh được thực hiện thường xuyên, liên tục, hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương như: Tuyên truyền trực quan băng zôn, khẩu hiệu, qua loa truyền thanh, trao đổi tọa đàm, lồng ghép trong các hội nghị, sinh hoạt chi, tổ Hội, Câu lạc bộ, giao lưu văn hóa văn nghệ....


Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã nâng cao được ý thức trách nhiệm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở cho cán bộ, hội viên, nông dân.



Trong 03 năm, cấp tỉnh đã phối hợp tổ chức 34 hội nghị cho 2.405 lượt cán bộ, hội viên nông dân. Cấp huyện phối hợp tổ chức 180 hội nghị cho hơn 12.690 lượt báo cáo viên pháp luật cấp huyện; trưởng ban công tác mặt trận; hòa giải viên, tuyên truyền viên và cán bộ, hội viên, nông dân.



239 CLB "Nông dân với pháp luật" duy trì sinh hoạt được thường xuyên. Nội dung các buổi sinh hoạt gồm: Trao đổi thông tin tình hình thực hiện pháp luật ở các khu; tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, công tác hòa giải cơ sở ….



Các nhóm CTV tích cực tham gia sinh hoạt CLB, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện và giám sát việc thực hiện luật pháp, Pháp lệnh dân chủ, công tác hòa giải cơ sở, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương… Chỉ đạo cho các cấp Hội thường xuyên bám cơ sở để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nông dân. Phối hợp với các ngành chức năng tham gia hòa giải, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo, hiện nay 100% cán bộ chi hội đều tham gia tổ hòa giải ở khu dân cư.



Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam mở 01 lớp trung cấp ngành công tác xã hội chuyên ngành công tác Hội Nông dân khoá 2014 - 2016 gồm 71 học viên, 04 lớp bồi dưỡng cho 283 lượt cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.



 Hội Nông dân các huyện phối hợp Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành, thị tổ chức 48 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, kỹ năng tuyên truyền cho 4.172 lượt cán bộ Hội cơ sở.



Nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền về giáo dục pháp luật cho cán bộ Hội, hàng quí Hội Nông dân tỉnh biên tập và phát hành cuốn Thông tin công tác Hội, trong đó có chuyên mục tuyên truyền về Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật mới của Nhà nước, trong 3 năm đã phát hành được trên 39.000 cuốn, cấp phát đến chi, tổ Hội làm tài liệu sinh hoạt, học tập.



Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội kiện toàn đội ngũ báo cáo viên. Phối hợp với hệ thống tư pháp từ cấp tỉnh đến cấp xã xây dựng đội ngũ báo cáo viên lên lớp tại các hội nghị tập huấn chuyên đề mở tại tỉnh, huyện, xã.
Có 269 Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã và 450 thành viên của Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, là nòng cốt cũng là tuyên truyền viên trong công tác PBGDPL tại các buổi sinh hoạt của chi, tổ hội.



Dưới sự lãnh chỉ đạo của Hội Nông dân các cấp hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên PBGDPL các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước tới hội viên nông dân, từ đó góp phần ổn định trật tự an ninh xã hội ở nông thôn.



Hiện nay, toàn tỉnh có 2.890 Tổ hòa giải, với 18.399 hòa giải viên. Số lượng thành viên của Tổ hòa giải thường có từ 5-9 người, hầu hết Tổ trưởng Tổ hòa giải là Trưởng khu hoặc là trưởng ban công tác mặt trận. Cán bộ chi Hội trưởng là thành viên. Trong tổng số 18.399 hòa giải viên có 12.581 nam, 5.818 nữ; Số người có trình độ chuyên môn Luật là 2001, chưa qua đào tạo chuyên môn là 16.389 người. Số lượt tổ viên tổ hòa giải được bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải và kiến thức pháp luật là 12.401.



Hoạt động hoà giải ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Trong 03 năm qua, các tổ hòa giải ở cơ sở trong toàn tỉnh tiếp nhận 10.596 vụ việc; đã tiến hành hòa giải thành 8022 vụ việc, số vụ việc hòa giải không thành là 2107 vụ, số vụ đang hòa giải là 467 vụ.



Việc củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho tổ hòa giải, hòa giải viên luôn được quan tâm. Hiện nay, đa số các hòa giải viên đều có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở lên, một số hòa giải viên có trình độ đại học, chuyên môn luật, đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác hoà giải.



Trong 3 năm quá, đã tổ chức 84 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải, bồi dưỡng kiến thức pháp luật gần 9000 lượt hoà giải viên. Từ đó đã nâng cao được chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.



Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phát hành 4 số Cuốn Thông tin công tác Hội. Nội dung cuốn thông tin có đăng tải nhiều nội dung các văn bản, pháp luật mới của Nhà nước, đăng tải các nội dung cơ bản của Luật hòa giải ở cơ sở, các nội dung pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở cơ sở…Tổng số cấp phát 3.900 cuốn đến chi, tổ Hội làm tài liệu sinh hoạt, tuyên truyền.


 
Tuy đạt được những kết quả trên, song công tác chỉ đạo và tổ chức hoạt động hòa giải ở một số địa phương chưa được quan tâm chú trọng, công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các hòa giải viên chưa được quan tâm thực hiện; công tác thông tin, báo cáo, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng cho đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở chưa kịp thời.



Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm hòa giải của các thành viên tổ hòa giải còn hạn chế. Một số nơi, hoạt động hoà giải còn mang tính hình thức chưa chú trọng chiều sâu.


Vì vậy thời gian tới, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, tạo điều kiện để đội ngũ làm công tác chuyên trách được tập huấn nâng cao trình độ; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm để công tác tuyên truyền pháp luật và hòa giải ở cơ sở ngày càng nâng cao chất lượng.

Mạnh Cường
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp