( KNTC) Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực triển khai Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2013-2016, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật.
|
(Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các ban chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai, tuyên truyền về nội dung tiểu Đề án đến các cấp Hội; tập trung tuyên truyền các văn bản mang tính thiết thực, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; vận động người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt pháp luật; xây dựng và nhân rộng các điển hình tốt trong chấp hành pháp luật; thu hút, vận động người dân nông thôn tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới.
Công tác trợ giúp pháp lý cũng được các cấp Hội đặc biệt chú trọng, đã thành lập 519 tổ trợ giúp pháp lý. Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã có nhiều khó khăn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã từng bước giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp ở địa phương. Trong những năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tổ chức trợ giúp pháp lý cho 1.175 đối tượng; trong đó có 232 đối tượng thuộc diện hộ nghèo, 113 đối tượng hộ nghèo và gia đình chính sách, 207 đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, 211 đối tượng thuộc diện chính sách, còn 412 thuộc các đối tượng khác. Phần lớn các đối tượng trên đều ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận tìm hiểu pháp luật, qua đó giải tỏa được sự nhận thức sai lệch, vướng mắc về pháp lý, hội viên - nông dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Công tác Trợ giúp pháp lý được triển khai tốt đã giúp cho việc giải quyết các tranh chấp, xích mích trong gia đình, chuyện đánh nhau con trẻ được thực hiện tốt và có hiệu quả. Các cấp Hội đã thụ lý 2.304 vụ việc, trong đó, lĩnh vực dân sự 330 vụ việc; lĩnh vực hôn nhân gia đình 653 vụ việc; lĩnh vực đất đai 752 vụ việc và các lĩnh vực khác 569 vụ việc. Kết quả hòa giải thành 2.035 vụ việc, đạt tỷ lệ 88% so với số vụ việc thụ lý. Số vụ việc hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền là 27 vụ việc; số vụ việc còn lại là giải quyết không thành và đang tiếp tục hòa giải.
Bên cạnh đó công tác tư vấn pháp luật được đẩy mạnh, đến nay các cấp Hội trong toàn tỉnh đã xây dựng được 51 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, mỗi câu lạc bộ có 50 thành viên tham gia, với tổng số 2.550 thành viên; có 49 cơ sở và 105 chi Hội xây dựng được lực lượng hội viên nòng cốt với 1.734 người tham gia. Các Câu lạc bộ đã xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch, nội quy, quy chế sinh hoạt và hoạt động có hiệu quả; đặc biệt các Câu lạc bộ đã chủ động tổ chức sinh hoạt, thi tìm hiểu nông dân với pháp luật, sân khấu hoá, hái hoa dân chủ…
Ngoài ra, các cấp Hội còn tiến hành phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động văn hóa của dân tộc... Hình thức tuyên truyền pháp luật hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, súc tích diễn đạt phù hợp với từng đối tượng, tâm lý lứa tuổi gắn các quy phạm pháp luật với các quy phạm đạo đức; chuyển tải nội dung pháp luật thành dạng thơ ca, giúp nông dân tiếp nhận những quy định của pháp luật một cách thuận tiện nhất, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ hội viên, nông dân.
Việc tuyên truyền, triển khai PBGDPL đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể vào cuộc, phối hợp thống nhất trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện. Nhất là Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã thể hiện vai trò phối hợp, chỉ đạo giữa các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Những kết quả đạt được đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên nông dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.