Tiền Giang: Vận động nông dân chấp hành tốt pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm
(KNTC)- Năm 2016, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục duy trì điểm vận động nông dân chấp hành pháp luật ở nông thôn, xây dựng mô hình điểm “Vận động nông dân chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và chế biến lương thực thực phẩm” ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành.
Nhằm thể hiện rõ vai trò của tổ chức Hội Nông dân nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên, nông dân tham gia và thực hiện tốt việc chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và chế biến lương thực thực phẩm, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ trong công tác vận động nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Ban chủ nhiệm câu lạc bộ được thành lập với 03 nhóm trưởng và cộng tác viên, đã tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm theo Quy chế với nội dung, chủ đề phù hợp để tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, chất phụ gia trong thực phẩm; Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; Phát huy vai trò của hội viên nông dân trong hoạt động bảo vệ thực vật, tuyên truyền cho các hộ hội viên nông dân và nhân dân trong việc sản suất rau quả sạch, có thời gian cách ly thích hợp theo quy định khi thu hoạch hoa quả để tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng gây mất an toàn cho người sử dụng; Các hành vi bị cấm trong luật an toàn thực phẩm; Một số quy định về sản xuất kinh doanh thực phẩm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh trên vật nuôi, cây trồng; Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, sử dụng nguyên liệu thực phẩm; Một số quy định về việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ các buổi tuyên truyền thảo luận những nội dung về an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ, 03 nhóm trưởng và cộng tác viên còn lồng ghép tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kết quả câu lạc bộ đã tổ chức tuyên truyền, thảo luận, tọa đàm được 34 cuộc với 1.020 lượt cán bộ, hội viên và nông dân tham dự.
Thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, tình hình nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thành viên trong nhóm và hội viên nông dân, đặc biệt là những thành viên trực tiếp sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm ngày càng được nâng lên rõ rệt. Các thành viên đã biết cách lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc, xuất xứ, không mua thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh; Có ý thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phun xịt đúng liều lượng, không lạm dụng, đảm bảo thời gian cách ly an toàn khi bán ra cho người tiêu dùng; Qua sinh hoạt, tọa đàm, tuyên truyền từ các thành viên câu lạc bộ đã làm chuyển biến nhận thức của chủ các cơ sở, quán ăn, quán giải khát, luôn chấp hành tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, có đăng ký kinh doanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chọn lựa nguyên liệu đầu vào, chế biến và tiêu thụ, sử dụng đúng các chất phụ gia, dụng cụ chứa đựng thực phẩm; Một số thành viên của nhóm còn tham gia cùng các ngành chức năng để giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng trên địa bàn ấp, xã, để kịp thời phát hiện những vi phạm phản ánh cho các ngành chức năng xử lý để tránh gây ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
Nhìn chung qua các buổi sinh hoạt nhóm thì các thành viên trong 3 nhóm, hội viên và nông dân, đã nâng cao kiến thức và nhận thức đầy đủ hơn trong sản xuất và chế biến lương thực thực phẩm, từ đó việc bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội được nâng lên đáng kể.
Ngoài ra Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” còn là thành viên của Ban hòa giải xã, tổ hòa giải ấp, luôn thể hiện tốt vai trò của mình trong công tác phối hợp cùng các ngành tham gia hòa giải những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân. Kết quả Hội tham gia hòa giải 5 vụ, trong đó hòa giải thành 3 vụ; tổ chức trợ giúp pháp lý cho 6 lượt hội viên và nông dân về tranh chấp ranh đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ly hôn, phân chia tài sản…
Qua 2 năm thực hiện mô hình điểm tại xã Bình Đức đã góp phần làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân, đặc biệt là các hộ có kinh doanh chấp hành nghiêm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm. Mô hình luôn được sự đồng thuận của các thành viên trong nhóm và hội viên, nông dân trên địa bàn xã; từ đó, mô hình hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn nông thôn.