(KNTC)- Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật là một nội dung quan trọng trong công tác Hội và phong trào nông dân, chính vì vậy Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2016.
Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giới thiệu, học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, các Luật, Bộ luật có liên quan đến hội viên, nông dân; vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam. Hội Nông dân cấp huyện treo băng zôn với khẩu hiệu tuyên truyền: Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tìm hiểu, học tập, chấp hành pháp luật là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, nông dân; Cán bộ Hội Nông dân các cấp gương mẫu chấp hành và bảo vệ Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ sở Hội tổ chức, triển khai công tác giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và các phong trào của Hội Nông dân. Các hình thức được sử dụng thường xuyên như: lồng ghép trong sinh hoạt Hội, thi tiểu phẩm, tuyên truyền miệng, tư vấn pháp luật, đưa tin bài trên hệ thống truyền thanh cơ sở, kẻ vẽ khẩu hiệu tại các điểm công cộng, giới thiệu sách pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan…
Thực hiện Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc “phối hợp giữa các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức quán triệt và tập huấn nghiệp vụ cho gần 300 đồng chí là cán bộ chuyên trách Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện và cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cơ sở. Hội Nông dân cấp huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn về pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, hòa giải tại cơ sở, điển hình là huyện Gia Lộc, Nam Sách, thành phố Hải Dương.
Các cấp Hội còn tổ chức triển khai, xây dựng 04 mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại xã Cao An (huyện Cẩm Giàng), xã Nam Chính (huyện Nam Sách), xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc), phường Bình Hàn (thành phố Hải Dương). Tại các xã điểm đã thành lập Ban Chỉ đạo mô hình điểm do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Chủ tịch Hội Nông dân xã là phó Ban, một số ban ngành cơ sở là thành viên; tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Đến nay, Hội đã tham gia tiếp dân được 178 buổi cho 226 lượt người, tham gia tiếp nhận 23 đơn thư, hòa giải 43 vụ và hòa giải thành 37 vụ, tuyên truyền đến hội viên, nông dân Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự… Thông qua mô hình này đã góp phần giảm đáng kể tình trạng khiếu nại, khiếu kiện ở địa phương đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, đảm bảo tình hình chính trị, trật tự an toàn ở cơ sở.
Bên cạnh đó 58 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” trong toàn tỉnh tiếp tục được duy trì, sinh hoạt thường xuyên, các thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ đã tích cực tuyên truyền Ngày Pháp luật, bổ sung thêm các văn bản pháp luật cho tủ sách pháp luật; tổ chức tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân tìm hiểu pháp luật thông qua tủ sách pháp luật; phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn về trồng trọt, chăn nuôi theo hướng ViêtGap… nhằm giải đáp những băn khoăn, vướng mắc và nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật cho hội viên, nông dân.