|
Công tác hòa giải cơ sở góp phần giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân (Ảnh minh họa) |
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong công tác hòa giải ở cơ sở và trang bị kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các cơ sở Hội, trong ba năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền về Luật hòa giải ở cơ sở được 230 buổi cho trên 270000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp Trung tâm tư vấn pháp luật Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ban Kiểm tra Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 08 lớp tập huấn về Luật hòa giải ở cơ sở và kỹ năng hòa giải cho 550 cộng tác viên, tuyên truyền viên của 6 huyện: Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc, Hải Hậu, thành phố Nam Định; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức lớp tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở cho trên 300 chi Hội trưởng của 20 cơ sở Hội huyện Giao Thủy.
Bên cạnh đó, các cấp Hội trong tỉnh còn tham gia viết tin bài tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở; Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội với những hình thức tuyên truyền phong phú và đa dạng. Hội Nông dân tỉnh cung cấp hàng trăm cuốn sổ tay hỏi đáp và hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp do Trung ương Hội biên soạn về công tác hòa giải cho các chi Hội để làm tài liệu tuyên truyền.
Hội Nông dân các cấp đã phối hợp cùng với cấp chính quyền củng cố tổ hoà giải ở cơ sở, tăng cường số lượng hoà giải viên là cán bộ các chi, tổ Hội. Đến nay, toàn tỉnh có 3.573 tổ hoà giải với 20.676 hoà giải viên, trong đó cán bộ Hội tham gia trong các tổ hoà giải có 1.956 đồng chí, mỗi tổ hoà giải đều có 2 - 3 đồng chí cán bộ Hội.
Khi có mâu thuẫn, vướng mắc trong nội bộ nhân dân, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện để Hội phối hợp với các ngành chức năng trong tổ hoà giải trực tiếp hoà giải ngay tại thôn, xóm. Qua đó hội viên nông dân phát huy được dân chủ trực tiếp tham gia tích cực hơn vào việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn góp phần vào ổn định tình hình trật tự xã hội ở nông thôn.
Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với ngành tư pháp trong công tác hoà giải và coi hòa giải là phương pháp tối ưu trong giải quyết xích mích, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật góp phần giảm bớt những mâu thuẫn, khiếu nại trong nội bộ nhân dân hàn gắn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết trong nội bộ. Bởi vậy Hội Nông dân các cấp lấy nhiệm vụ hoà giải là chủ yếu để tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Các cấp Hội đã phát huy thế mạnh vừa rộng khắp, vừa gần gũi sâu sát với nhân dân. Trên cơ sở đó, tuỳ theo nội dung, tính chất từng vụ việc, kịp thời nắm bắt đầy đủ, chính xác thông tin để có hình thức hoà giải phù hợp với đối tượng.
Ba năm qua toàn tỉnh có hàng nghìn vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi được tổ hoà giải tiến hành hoà giải có kết quả ngay tại cơ sở mà không phải chuyển lên cơ quan cấp trên. Các vụ hòa giải tập trung vào lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình và dân sự. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã trực tiếp hoà giải 256 vụ, Hội Nông dân tham gia hoà giải 2.326 vụ, số vụ trực tiếp hoà giải thành 152 vụ, số vụ tham gia hoà giải thành 1.770 vụ. Do làm tốt công tác hoà giải, nhiều vụ việc hội viên nông dân tự rút đơn, góp phần giữ vững đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Để thực hiện có hiệu quả công tác hoà giải, một kinh nghiệm rút ra trong thực tiễn là phải kết hợp hài hoà giữa yếu tố pháp luật với phong tục tập quán tại địa phương và đạo đức xã hội. Hội phải nắm rõ nội dung, nguyên nhân tranh chấp để thực hiện việc hoà giải; xác định tính chất tranh chấp để lựa chọn văn bản thích hợp vận dụng vào hoà giải; gặp gỡ từng bên tranh chấp để trao đổi, thuyết phục.
Người làm công tác hoà giải phải am hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương, có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình, có khả năng thuyết phục, vận động quần chúng, xử lý tình huống nhanh và chính xác. Vì vậy cán bộ Hội là thành viên tổ hoà giải đều là những tuyên truyền viên pháp luật được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải thông qua các lớp tập huấn cán bộ Hội.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, sự phối hợp giữa Hội Nông dân với các ngành chức năng ngày một chặt chẽ và có hiệu quả góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Công tác phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân ngày càngđược triển khai sâu rộng và có hiệu quả cùng với việc phát động các phong trào thi đua của Hội.
Các vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ nông dân được giải quyết kịp thời, từ đó góp phần giảm bớt các vụ khiếu kiện. Nhận thức pháp luật của người nông dân ngày một nâng lên, ý thức chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày một tốt hơn, góp phần ổn định an ninh chính trị - xã hội trên địa bàn nông thôn, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.